Những lợi ích thiết thực khi tham gia Bảo hiểm y tế


Khám bệnh BHYT cho người dân tại Trạm Y tế xã Yên Cường huyện bắc Mê

Khám bệnh BHYT cho người dân tại Trạm Y tế xã Yên Cường huyện bắc Mê

      Bảo hiểm Y tế (BHYT) là một chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện với mức đóng 804.600 đồng/người/năm, người tham gia được thanh toán số tiền khám chữa bệnh không giới hạn, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm từ sự chia sẻ của cộng đồng. Nhiều người nhờ vào BHYT mà vượt qua được giai đoạn khó khăn khi điều trị bệnh.

       Hiện có 2 hình thức tham gia BHYT, một là bắt buộc, hai là tự nguyện.

       Đối với người tham gia BHYT bắt buộc: Có 6 nhóm đối tượng tham gia được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đó là: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhóm do cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đóng, nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, nhóm do người sử dụng lao động đóng. Những người không thuộc 6 nhóm đối tượng trên là đối tượng tham gia của BHYT tự nguyện.

       Để tham gia BHYT tự nguyện, có thể đăng ký tham gia theo hình thức hộ gia đình với mức đóng được tính như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất. Người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất. Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất. Người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Mức đóng trên chưa tính chi phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và mức đóng này sẽ thay đổi dựa vào mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

      Mỗi đối tượng tham gia BHYT có một cách mua và địa điểm mua khác nhau. Đối với học sinh, sinh viên sẽ tham gia BHYT ngay tại trường đang theo học, khi tham gia cần có thẻ học sinh/sinh viên, chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ tùy thân khác có ảnh để hoàn thiện các thủ tục. Với hộ gia đình có thể đăng ký tham gia BHYT tại UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc Đại lý thu trên địa bàn. Khi tham gia, gia đình cần chuẩn bị: Tờ khai tham gia BHYT theo mẫu, danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT theo mẫu, Bản sao có công chứng sổ hộ khẩu, bản chính hoặc bản sao thẻ BHYT của những người đã có thẻ BHYT (nếu có). Những đối tượng làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và người được Nhà nước hỗ trợ sẽ đóng BHYT tại chính đơn vị nơi đang làm việc hoặc tại cơ quan BHXH trên địa bàn.

       Người tham gia BHYT được tùy chọn một cơ sở y tế khám, chữa bệnh ban đầu thuận lợi, gần nơi công tác hoặc nơi cư trú theo hướng dẫn của cơ quan BHXH; được đổi nơi đăng ký ban đầu vào đầu mỗi quý; được giảm chi phí khám chữa bệnh. Tùy vào từng đối tượng và tình hình bệnh tật, tai nạn… mà người tham gia BHYT sẽ được miễn phí hoàn toàn hoặc một phần chi phí điều trị, khám chữa bệnh.

       Trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến: Người bệnh sẽ được hỗ trợ chi trả chi phí khám bệnh theo các mức 80%, 95%, 100% tùy vào từng đối tượng khác nhau nếu khám chữa bệnh đúng tuyến, cụ thể:

      - Người được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh là: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an Nhân dân; Người có công cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, lão thành cách mạng, thương bệnh binh trên 81%; trẻ em dưới 6 tuổi; chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.

       - Người được hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh là: Người đang được hưởng lương hưu hoặc các trợ cấp mất sức lao động; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn.

       - Người được hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh thuộc các đối tượng còn lại.

       Trường hợp khám, chữa bệnh trái tuyến: Người tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31/12/2020 và 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí tại bệnh viện tuyến huyện. Đối với các trường hợp người tham gia BHYT sống tại xã đảo, huyện đảo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo ở vùng kinh tế khó khăn sẽ được hưởng mức hưởng đúng tuyến kể cả khi khám chữa bệnh trái tuyến.

        Để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia BHYT, cần lưu ý đến những điểm sau: Kiểm tra lại các thông tin ghi trên thẻ BHYT gồm họ và tên, ngày/tháng/năm sinh, giới tính, mã số thẻ BHYT. Khi thẻ BHYT sắp hết hạn cần đóng kịp thời để tiếp tục sử dụng quyền lợi của mình. Tham gia BHYT 5 năm liên tục sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn theo quy định.

       Thực tế hiện nay, số người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp,... ngày càng tăng, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân rất ít có cơ hội khám bệnh định kỳ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.

Thu Ngân (soạn)


Các bài đã đăng

Xem thêm

Hộp thư điện tử

Mail Box

Mail Box

Mail Box

Website đơn vị trực thuộc
Thư viện ảnh
 

Tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị.

 

Gửi thông tin

Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBPL

Dịch vụ công mức độ 4

danh sách cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện

danh sách cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học

Danh sách cơ sở đủ điều kiện diệt côn trùng diệt khuẩn

công khai địa chỉ mail lãnh đạo sở

Cơ Sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính

sàn thương mại điện tử Hà Giang

Kho phác đồ điều trị