Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Kiểm tra hàng hoá tại huyện Bắc Quang.
An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề được quan tâm, đặc biệt nhận thức của một số người dân còn hạn chế, vẫn còn thói quen sử dụng các loại thực phẩm không an toàn, các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên như nấm, quả rừng… Đây là những yếu tố rất lớn gây khó khăn cho công tác bảo đảm chất lượng ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, du nhập vào nước ta theo đường tiểu ngạch, hàng xách tay… rất khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ của người dân ngày càng tăng cao, vì thế một số đối tượng vì lợi nhuận đưa các nguồn hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người tiêu dùng và khó khăn cho các ngành chức năng.
Trước tình hình đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã luôn nỗ lực, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục ATTP đã chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh, Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo đối với công tác bảo đảm ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, Bs.CKII Ngọc Thanh Dũng, Chi Cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh quản lý 3.296 cơ sở; Trong đó cơ sở cấp Giấy chứng nhận 583/627 cơ sở; ký cam kết 2.669 cơ sở. Để đảm bảo ATTP cho người dân, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ Hội Xuân 2024, Chi cục đã tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến huyện, xã, phường, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao như: Thịt, cá, trứng, bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…, các cơ sở chế biến thực phẩm, các huyện có cửa khẩu; đồng thời huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, quản lý ATTP tại nơi diễn ra lễ hội; quản lý thực phẩm theo đặc thù địa phương cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, phổ biến đến các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng…
Trong năm 2023, Chi cục đã phối hợp với các Ngành liên quan thành lập 281 đoàn kiểm tra, trong đó, cấp tỉnh 13 đoàn, cấp huyện 69 đoàn, cấp xã 199 đoàn, tiến hành kiểm tra 3.250 cơ sở, phát hiện 242 cơ sở không đạt chỉ tiêu chiếm tỷ lệ 7,2 %; 21 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, với tổng số tiền xử phạt là: 46.800.000đ. Trong đó Chi cục xử phạt hành chính là 15.300.000đ; số thực phẩm bị tiêu hủy 35kg, giá trị hàng hóa bị tiêu hủy là 1.191.000đ. Tính riêng từ cuối tháng 12/2023 đến ngày 20/1/2024 Tuyến huyện đã xử lý 02 cở sở với tổng số tiền: 13.500.000đ, xử phạt 13.500.000đ. Việc phát hiện và xử lý hàng hóa, thực phẩm giả, kém chất lượng đã kịp thời ngăn chặn không cho thực phẩm giả tràn lan ra thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người dân được vui xuân an toàn.
Nhằm nâng cao nhận của các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng chủ động lựa chọn thực phẩm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm và cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm, Chi cục tổ chức truyền thông lồng ghép trong các buổi họp thôn, tổ dân phố 675 buổi/29.911 lượt người nghe; truyền thông tại các phiên chợ 308 buổi/52.092 lượt người nghe; tư vấn tại chỗ cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm và cộng đồng 524 lượt/1.227 người nghe; phát thanh trên loa đài, xã, phường, thị trấn tại các tổ thôn bản 1.190 buổi; cấp phát các sản phẩm truyền thông phòng chống ngộ độc thực phẩm 28.300 tờ rơi, 3.300 sổ tay.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Thực hiện hiệu quả Đề án 06, chuyển đổi số, giải quyết TTHC mức độ toàn trình; khai thác, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý: nhân lực, văn bản điện tử, quản lý ATTP liên thông; Đôn đốc Trung tâm Y tế huyện, thành phố tham mưu tập trung kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trong dịp Tết Trung thu, mùa lễ hội, Tết Nguyên đán...
Bs.CKII Ngọc Thanh Dũng, cũng chia sẻ thêm: Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm đặc biệt trước, trong, sau Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2024, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định; đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với những cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng; chủ động công tác tuyên truyền cho người dân vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc kiến thức hiểu biết về lựa chọn, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn tại bữa cỗ đông người; thay đổi thói quen hái nấm rừng, hoa quả rừng về ăn; Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân cấp huyện, xã gắn tuyên truyền với công tác xây dựng nông thôn mới; tiếp tục triển khai mô hình điểm làng văn hóa có kiểm soát ATTP tại thôn Nậm Hồng xã Thông nguyên, huyện Hoàng Su Phì…
Hy vọng, với sự nỗ lực của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, sự phối hợp với các ngành liên quan sẽ phát huy hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Hồng Mai