ĐẢM BẢO VỆ SINH THỰC PHẨM TẠI CÁC TRƯỜNG HỌC


Ngộ độc thực phẩm trong trường học thường có số mắc cao, diễn biến nhanh. Từ đầu năm đến nay Hà Giang đã xảy ra vụ ngộ độc điển hình tại Trường Tiểu học bán trú xã Xín Cái huyện Mèo Vạc với tổng số 170 học sinh mắc ngộ độc thực phẩm.

Như chúng ta đều biết, chất lượng thực phẩm tác động trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng người sử dụng, không những thế chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) còn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm ATVSTP, chúng ta vẫn còn phải đối mặt với những thách thức lớn đó là: Ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp, công trường, bệnh viện, đặc biệt là tại các trường học đang có chiều hướng gia tăng.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 04 vụ ngộ độc thực phẩm tại 03 huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và Mèo Vạc số người mắc phải nhập viện 196 người, tử vong 03. Đặc biệt vụ ngộ độc tại một gia đình do ăn nấm tại Thôn Khau Mèng, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên làm 04 người mắc, 03 người tử vong và vụ ngộ độc tập thể do tụ cầu vàng tại Trường Tiểu học bán trú xã Xín Cái huyện Mèo Vạc khiến 170 mắc nhập viện, không có tử vong.

Nguyên nhân chính của việc ngộ độc thực phẩm là do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hoặc bị ô nhiễm hóa học (kim loại nặng, độc tố vi nấm...). Đặc biệt thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, cá, sữa là các chất giàu đạm, rất dễ trở thành môi trường tốt cho các vi sinh vật, nhất là vi khuẩn gây bệnh phát triển, và khi đó thức ăn đã biến thành chất độc.

Hiện nay, việc đảm bảo ATTP trong trường học đóng vai trò vô cùng quan trọng, trong đó việc chế biến thực phẩm cho học sinh ăn hàng ngày ở trường là cần thiết nhằm tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Chỉ khi thực phẩm sạch an toàn thì bữa ăn mới ngon miệng giúp các em phát triển về thể lực, trí tuệ. Do đó, trong chế biến thực phẩm, các trường nên thực hiện mô hình bếp ăn dinh dưỡng một chiều, với khu vực tiếp nhận, sơ chế thực phẩm tươi sống và khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn được bố trí tách biệt để đảm bảo ATTP. Cần thực hiện ký hợp đồng cung ứng thực phẩm với các đầu mối có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần, thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày theo quy định. Nhà trường có hồ sơ quản lý công tác ATTP chặt chẽ, ban giám hiệu kiểm tra, giám sát bếp ăn hàng ngày.

Đối với nhân viên cấp dưỡng cần được khám sức khỏe định kỳ và cập nhật kiến thức về VSATTP. Đồng thời, phối hợp chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATTP và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm trong các trường học.

Để đảm bảo VSATTP trong trường học chúng ta cần thực hiện theo 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm như sau:

1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi. rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.

2. Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt  tới trên 70°C.

3. Ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.

4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chính. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên  60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được đun kỹ lại.

6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống, với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chính có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương  nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ  kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

Thu Ngân (Soạn)


Các bài đã đăng

Xem thêm

Hộp thư điện tử

Mail Box

Mail Box

Mail Box

Website đơn vị trực thuộc
Thư viện ảnh

Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBPL

Dịch vụ công mức độ 4

danh sách cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện

danh sách cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học

Danh sách cơ sở đủ điều kiện diệt côn trùng diệt khuẩn

công khai địa chỉ mail lãnh đạo sở

Cơ Sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính

sàn thương mại điện tử Hà Giang

Kho phác đồ điều trị

Poster chuyển đổi số 10-10