Quả Hồng châu là loại quả được hái từ cây Hồng châu (cây Hồng châu có tên gọi khác là cây mề gà, cây rom, cây móc quạ, cây khua mật). Hồng châu có tên khoa học là Capparis versicolor Griff, thuộc họ Capparaceae (họ Màn Màn).
Cây hồng châu
Cây Hồng châu có đặc điểm là thường mọc ở khu vực núi đá thuộc dạng cây leo, vỏ thân cây màu xanh nhạt, có gai nhọn, cứng. Lá cây to bằng 2 ngón tay người lớn, dài khoảng từ 11 - 12cm, màu của lá xanh đậm. Quả tròn to gần bằng quả trứng gà, quả hồng châu chín có màu tím đậm, khi còn xanh thì quả có màu xanh nhạt. Quả hồng châu chín khá mềm, có phần vỏ trơn bóng, nhẵn, nếu bổ đôi quả hồng châu ra thì sẽ thấy phía trong sát vỏ có một lớp màu hồng. Một quả Hồng châu có từ 4 - 6 hạt, hạt được bao bọc trong một lớp cùi màu trắng đục, khá mềm. Phần cùi bao bọc quả rất mọng nước, hạt của quả Hồng châu có màu tím sẫm rất đẹp và có kích thước bằng hạt ngô. Quả Hồng châu chín rộ vào các tháng 6, 7, 8 hàng năm. Vì thế đây cũng là các tháng trong năm thường ghi nhận các vụ ngộ độc do ăn phải quả Hồng châu và chủ yếu là trẻ em, tập trung ở độ tuổi từ 6 - 12 tuổi.
Ngộ độc quả Hồng Châu dẫn tới suy hô hấp, trụy tim mạch
Độc tố của quả Hồng châu là alcaloid, chứa chính trong nhân hạt (chưa thấy trong cùi) của quả. Độc tính của chúng tác động chủ yếu lên tế bào cơ tim và gây phù phổi cấp. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy điều trị căn nguyên và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
Quả hồng châu
Biện pháp sơ cứu tại chỗ cho người bị nhiễm độc quả Hồng châu
Khi phát hiện người bị nhiễm độc quả Hồng châu cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa. Bên cạnh đó, cần tiến hành sơ cứu tại chỗ nhanh chóng để hạn chế độc tố ngấm cơ thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Người ăn phải quả Hồng châu cần được nhanh chóng gây nôn để thải bớt chất độc ra ngoài, đồng thời cho uống nhiều nước và gây nôn, hoặc cho uống than hoạt tính. Tốt nhất có thể sử dụng oresol thay cho nước và rửa dạ dày.
Khi người ăn phải quả Hồng châu nếu có hiện tượng co giật, hôn mê thì hãy cho người bệnh nằm nghiêng và đưa đến cơ sở y tế nơi gần nhất. Trong quá trình di chuyển phải thường xuyên theo dõi tình trạng và sắc mặt của người bệnh. Nếu thấy thở yếu hoặc ngừng thở thì cần sử dụng dụng cụ sơ cứu và hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo ngay lập tức.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị giải độc do ngộ độc quả Hồng châu, mà chỉ điều trị các triệu chứng và điều trị căn nguyên. Chính vì thế mà công tác sơ cứu tại chỗ là rất quan trọng. Người ngộ độc cần được gây nôn và rửa dạ dầy để thải bớt độc tố ra ngoài càng nhanh càng tốt. Các chức năng sống cần được duy trì bằng các phương pháp trợ tim, trợ hô hấp, chống co giật… Người ngộ độc cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt.
Để phòng, tránh những vụ ngộ độc do ăm phải quả Hồng châu. Các bác sỹ khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em tuyệt đối không ăn các loại rau, củ, quả lạ mọc trong rừng không rõ nguồn gốc, trong đó có quả Hồng châu để phòng ngừa các vụ ngộ độc có thể dẫn đến tử vong.
Thu Ngân