Bệnh bạch hầu, uốn ván và những điều cần biết về vắc xin Td


Hình ảnh lọ vắc xin uốn ván – bạch hầu (Td)

Hình ảnh lọ vắc xin uốn ván – bạch hầu (Td)

       Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây nên. Đặc điểm lâm sàng của bệnh là tổn thương chủ yếu ở vùng mũi, họng, thanh quản… với những giả mạc kèm theo những biểu hiện nhiễm độc nặng (thường là nhiễm độc thần kinh và viêm cơ tim) do ngoại độc tố bạch hầu. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp (ho, hắt hơi, nói chuyện…) thông qua dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân; đôi khi có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… bị ô nhiễm mầm bệnh. Đối tượng mắc đa số là trẻ dưới 15 tuổi nhất là trẻ từ 1-9 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Bạch hầu có biểu hiện lâm sàng ở các thể như bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản với các biểu hiện như có giả mạc thường màu trắng ngà hay trắng xám, dính chặt vào niêm mạc ở phía dưới, khi bóc dễ chảy máu, có xu hướng phát triển và lan rộng rất nhanh. Ngoài ra còn có hội chứng nhiễm độc, bệnh nhân lừ đừ, biếng ăn, da xanh, sổ mũi, nổi hạch cổ, hạch góc hàm làm cổ bạnh ra. Đặc biệt bạch hầu ở thanh quản có những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ, biểu hiện trẻ khàn tiếng, khó thở và ngạt, khi đó trẻ lịm dần bất động, tím tái rồi tử vong. Ngoại độc tố vi khuẩn bạch hầu còn gây biến chứng liệt hầu họng làm trẻ khó nuốt dễ bị sặc, liệt các chi, rối loạn nhịp tim dễ tử vong vì truỵ tim mạch.

       Uốn ván cũng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn uốn ván gây nên và ngoại độc tố hướng thần kinh của nó. Bệnh lây qua da và niêm mạc bị tổn thương. Đặc điểm lâm sàng là một trạng thái co cứng cơ liên tục và có những cơn giật cứng. Khởi đầu là những cơn co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, thân mình và tứ chi. Nguồn truyền bệnh uốn ván là đất và các đồ vật bị nhiễm bẩn có nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương kín, vết thương sâu và các vết thương dập nát có môi trường kỵ khí. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng. Tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 30-50%. Biểu hiện điển hình của bệnh uốn ván là co cứng, bắt đầu là cơ nhai (cứng hàm) rồi đến cơ mặt, cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, cơ chi dưới (duỗi), cuối cùng là cơ chi trên (co quắp). Sự co cứng liên tục các cơ toàn thân làm cho bệnh nhân có cảm giác đau nhức. Ngoài ra người bệnh còn có biểu hiện co giật cứng toàn thân xảy ra sau một kích thích (đụng chạm, ánh sáng, tiếng ồn...). Khi co thắt các cơ hầu họng bệnh nhân khó nuốt, co thắt cơ thanh quản gây nghẹt thở, tím tái, ngừng thở. Đối với uốn ván sơ sinh, trẻ sơ sinh nào bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu, sau đó không bú trong khoảng ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 ngày và có các biểu hiện như: Trẻ bị co giật hoặc co cứng khi bị kích thích nhẹ như ánh sáng, tiếng động, khi sờ vào trẻ hoặc trẻ có dấu hiệu co cứng với bất kỳ các dấu hiệu như: cứng hàm, tay hoặc chân co quắp, môi mím chặt, lưng uốn cong. Uốn ván sơ sinh có tỷ lệ tử vong rất cao.

       Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván có hiệu quả nhất. Để phòng bệnh, trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 liều vắc xin phòng bệnh và khi đủ 18 tháng sẽ tiêm thêm một mũi vắc xin DPT4. Riêng để phòng bệnh uốn ván sơ sinh, phụ nữ có thai cần được tiêm đủ liều vắc xin phòng uốn ván.

      Trong những năm qua, bệnh bạch hầu đang có nguy cơ quay trở lại và bệnh uốn ván, nhất là uốn ván sơ sinh có xu hướng gia tăng. Tại Hà Giang, từ năm 2004 đến nay toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên riêng uốn ván sơ sinh từ năm 2011 đến nay, hàng năm vẫn ghi nhận từ 1 đến 4 trường hợp mắc và tử vong do uốn ván sơ sinh trong toàn tỉnh. Ngay trong 9 tháng đầu năm 2019 đã ghi nhận 4 trường hợp uốn ván sơ sinh tại các huyện Bắc Mê (02 ca), Quản Bạ (01 ca) và Vị Xuyên (01 ca). Cùng với kết quả tiêm UV2+ cho phụ nữ có thai hàng năm thấp (dưới 85%), nguy cơ một số huyện, thành phố trong tỉnh khó có thể bảo vệ được thành quả của loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trong thời gian tới. Bên cạnh đó với tỷ lệ tiêm vắc xin bạch hầu cho trẻ em tại một số xã vùng sâu, vùng giáp biên hàng năm thấp sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát của bệnh bạch hầu tại địa phương. Do vậy ngoài tiêm chủng vắc xin bạch hầu, uốn ván cho trẻ em, việc triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều (Td) sẽ góp phần củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu và uốn ván, bảo vệ thành quả của loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Năm 2019, thực hiện Quyết định số 3777/QĐ-BYT ngày 26/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 21/10/2019 triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu giảm liều cho tất cả trẻ em 7 tuổi trên quy mô toàn tỉnh trong tháng 11/2019.

       Vắc xin uốn ván - bạch hầu (Td) phòng bệnh uốn ván, bạch hầu do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất. Vắc xin được cấp phép lưu hành từ năm 2012. Vắc xin dưới dạng dung dịch, đóng 10 liều/lọ. Mỗi trẻ 7 tuổi được tiêm bổ sung một liều vắc xin (0,5ml) theo đường tiêm bắp sâu. Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 80C với lưu ý không được để đông băng vắc xin.

       Vắc xin Td có tính an toàn cao tuy nhiên có thể gặp một số phản ứng thông thường sau tiêm như phản ứng tại chỗ (Đau, quầng đỏ, sưng nhẹ tại chỗ chiếm 10-75%), sốt nhẹ, đau cơ cánh tay, đau đầu (găp khoảng 10%), áp xe vô khuẩn (gặp 6-10 trường hợp/triệu liều), viêm dây thần kinh ngoại biên, Guillain- Barre (rất hiếm gặp),... Các phản ứng trên phần lớn thường nhẹ và tự khỏi. Trong chương trình tiêm chủng, có khoảng hơn 1 triệu liều vắc xin Td sử dụng cho công tác phòng chống dịch song không ghi nhận phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.

       Trong quá trình tiêm chủng, cần thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc để loại trừ các trường hợp có chống chỉ định hoặc hoãn tiêm, nhất là chống chỉ định như trẻ có phản ứng mạnh ở liều tiêm trước với vắc xin có thành phần bạch hầu, uốn ván (DPT, DPT-VGB-Hib), không tiêm bắp cho trẻ có rối loạn chảy máu như Hemophilie hoặc giảm tiểu cầu. Một số trường hợp tạm hoãn như trẻ có sốt, đang có bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính tiến triển. Ngoài ra cần tuân thủ “5 đúng” như tiêm chủng đúng loại vắc xin, đường tiêm, liều lượng, vị trí tiêm, đúng thời điểm. Cần bố trí phòng tiêm riêng và tiêm lần lượt theo từng lớp học để tránh phản ứng tâm lý dây chuyền sau tiêm chủng trong chiến dịch tiêm chủng tại trường học.

CDC Hà Giang


Các bài đã đăng

Xem thêm

Hộp thư điện tử

Mail Box

Mail Box

Mail Box

Website đơn vị trực thuộc
Thư viện ảnh

Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBPL

Dịch vụ công mức độ 4

danh sách cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện

danh sách cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học

Danh sách cơ sở đủ điều kiện diệt côn trùng diệt khuẩn

công khai địa chỉ mail lãnh đạo sở

Cơ Sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính

sàn thương mại điện tử Hà Giang

Kho phác đồ điều trị

Poster chuyển đổi số 10-10