Với điều kiện của một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư phân tán, việc tiếp cận dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện cho nhóm người có hành vi nguy cơ, phụ nữ ở các thôn bản còn gặp nhiều khó khăn, bởi xét nghiệm HIV chỉ được thực hiện tại y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh. Chính vì vậy việc đưa hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV lưu động tới tuyến xã đã tạo điều kiện để những người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với dịch vụ
Lấy máu xét nghiệm HIV lưu động cho người dân xã Lũng Táo – Huyện Đồng Văn.
Qua truyền thông, tư vấn, anh Sùng Mí V. xã Sủng Là, huyện Đồng Văn không ngần ngại chia sẻ: "Tôi thường xuyên đi làm ăn xa nhà, có khi tới vài tháng, việc quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng là khó tránh khỏi. Mặt khác do không hiểu biết nhiều về HIV và cũng không có điều kiện để đi xét nghiệm. Nhân tiện có các y bác sỹ lấy máu xét nghiệm tại địa phương tôi cũng muốn xét nghiệm xem mình có bị “nhiễm HIV không”". Còn chị Lầu Thị M. tại xã Lũng Táo đang mang thai được 4 tháng cũng đồng ý làm xét nghiệm HIV, chị cho biết: “Nhà ở cách Trung tâm huyện hơn 20 km, nên không có điều kiện để ra ngoài huyện làm xét nghiệm, nhân dịp này chị cũng muốn làm xét nghiệm HIV để chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình, cho con và gia đình”. Anh Sùng Mí V.; chị Lầu Thị M. chỉ là 2 trong số những người dân ở thôn bản vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận với dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV lưu động được tổ chức tại tuyến xã.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện được mở tại Khoa Xét nghiệm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và Trung tâm Y tế các huyện thành phố. Ngoài chức năng tư vấn, xét nghiệm tại chỗ, còn thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV lưu động tại các xã vùng sâu xa, nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế nói chung và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện nói riêng. Đặc biệt dịch vụ này còn được gắn với chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản tại trạm y tế các xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao tiếp cận với dịch vụ.
Ngoài ra, tất cả những người có hành vi nguy cơ như: Người dân từ các địa phương khác đến hoặc người địa phương đi làm ăn xa trở về, những người có quan hệ tình dục không an toàn, người sử dụng ma tuý, nam nữ thanh niên trước kết hôn... đều có thể được tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và tư vấn các vấn đề liên quan sức khoẻ khác. Dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV lưu động được thực hiện tại tuyến xã song vẫn bảo đảm nguyên tắc: tự nguyện, bí mật, chính xác, đặc biệt đây là dịch vụ được miễn phí. Hơn nữa, khi đến dịch vụ này khách hàng sẽ được tư vấn các thông tin cần thiết để dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục, được tư vấn cách lựa chọn các hành vi an toàn, chăm sóc người thân, gia đình nếu có người đã nhiễm HIV. Sau khi trả kết quả với những người có kết quả HIV dương tính sẽ được tư vấn, giới thiệu để tiếp cận điều trị ARV sớm.
Năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh đã tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện được 29.400 mẫu trong đó chiếm một phần không nhỏ là những mẫu xét nghiệm được thực hiện lưu động tại tuyến xã. Chỉ riêng tuyến tỉnh đã thực hiện được 493 mẫu xét nghiệm lưu động trên tổng số 868 mẫu xét nghiệm. Trong 3 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh đã thực hiện được 6.662 mẫu xét nghiệm HIV, với 478 mẫu được tư vấn, xét nghiệm lưu động.
Bác sỹ Phạm Thị Kim Dung – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang cho biết “Tư vấn xét nghiệm HIV lưu động được phối hợp thực hiện với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, khám điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục gắn với các buổi truyền thông tại các vùng có đông nhóm người có hành vi nguy cơ như người nghiện chích ma tuý, nhân viên nhà hàng khách sạn, người lao động tự do...Hoạt động này đã góp phần đưa dịch vụ dự phòng lây truyền HIV đến với những người dân vùng sâu, vùng xa, giúp họ phát hiện sớm tình trạng HIV của mình, tiếp cận dịch vụ điều trị sớm, để nâng cao chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, phòng lây nhiễm cho bản thân, người thân cho cộng đồng và thực hiện tốt chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”.
Liên Hương - Khoa Truyền thông, Trung tâm Kiếm soát bệnh tật