Theo Cục Y tế dự phòng, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, WHO vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu; vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong
Trong nước, mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc bệnh, các ca nhập viện và các ca chuyển nặng trong thời gian gần đây cùng với sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây.
Để tiếp tục chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, mọi người cần tiếp tục tiêm nhắc lại vắc xin các mũi 3, mũi 4 và tiêm vắc xin cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch COVID-19.
Triển khai tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3724/VPCPKGVX ngày 15/6/2022 về việc đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 và hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; ngày 23/6/2022, Bộ Y tế ban hành văn bản 3309/BYT-DP, trong đó hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho các đối tượng người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng quân đội, công an, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ); công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Hiểu rõ hơn về các mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19
Mũi tiêm cơ bản: Mũi 1, 2 hay 3 tuỳ từng loại vắc xin và tuỳ đối tượng tiêm.
Mũi tiêm nhắc: Khi đã đủ mũi tiêm cơ bản, tiêm mũi tiếp theo là nhắc lần 1, tiêm mũi nữa là nhắc lần 2.
Để tránh nhầm lẫn khi nói đến tiêm mũi nhắc lại, chúng ta tách ra mũi cơ bản và mũi nhắc lại.
Tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 được hiểu là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 1. Tiêm vắc xin mũi 4 là mũi tiêm nhắc lại lần thứ 2. Việc tiêm mũi nhắc lại lần 1 và lần 2 vắc xin COVID-19 giúp duy trì miễn dịch ở mức độ cao cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản.
Hiện có nhiều người đang nhầm lẫn giữa tiêm vắc xin COVID-19 mũi bổ sung và mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1). Mũi vắc xin bổ sung dành cho đối tượng suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các vắc xin mà bằng chứng cho thấy cần phải tiêm thêm mới đạt miễn dịch cơ bản.
Mũi nhắc lại lần 1 và nhắc lần 2 có thể sử dụng loại vắc xin tiêm cùng loại với mũi tiêm liều cơ bản hoặc dùng vắc xin Messenger RNA (mRNA) hoặc vắc xin Astrazeneca nếu tiêm phối hợp. Lưu ý khoảng cách tiêm mũi nhắc lần 1 này cách ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản và mũi nhắc lần 2 cách 4 tháng sau mũi nhắc lần 1. Riêng mũi nhắc lần 2 cần lưu ý cách thời gian xác định bị COVID-19 tối thiểu 3 tháng, điều này không đặt ra với mũi nhắc lần 1.
Nếu sắp tới ngày tiêm vắc xin theo lịch mà bị bệnh hoặc bị COVID-19 thì nên tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Lưu ý với mũi nhắc lần 2 thì phải chờ đủ 3 tháng sau khỏi mới cần đi tiêm.
Hướng dẫn tại văn bản mới nhất của Bộ Y tế nêu rõ việc tiêm liều bổ sung cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người đang điều trị ung thư tích cực đối với các khối u hoặc ung thư máu; Người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; Người điều trị bằng liệu pháp thụ thể kháng thể tế bào T (một loại điều trị giúp hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư) hoặc được cấy ghép tế bào gốc (trong vòng 2 năm qua); Người suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (ví dụ hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich); Người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị; Người đang điều trị tích cực Corticosteroid hoặc các loại thuốc ứng chế miễn dịch liều cao.
Thu Ngân