Phục hồi hồi hệ sinh thái (Ảnh nguồn Internet)
Trước những biến đổi xấu về môi trường ngày một nghiêm trọng, con người đã dần nhận thấy và ý thức được rằng những hành động của mình ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Chính vì vậy, tại Hội nghị về Con người và Môi trường tại thủ đô Stockholm Thuỵ Điển diễn ra từ ngày 5 - 6/6/1972, Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 kể từ năm 1972 là Ngày Môi trường thế giới. Ngay sau khi phát động đã có 143 quốc gia hưởng ứng và tham gia vào sự kiện này. Mỗi năm Liên Hợp Quốc sẽ chọn ra 1 chủ đề khác nhau nhằm nâng cao nâng cao hiểu biết của mọi người về tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích người dân và các chính phủ tổ chức thực hiện hoạt động cải thiện môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Việt Nam tham gia Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982. Vào ngày này hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan để phát động triển khai các hoạt đông hưởng ứng. Các hoạt động thường được tổ chức với mọi tầng lớp tham gia như diễu hành, thi viết, thi vẽ, chiến dịch trồng cây xanh, tái chế rác thải,... hướng đến tầm quan trọng của môi trường và các hành động bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ tuy nhiên lượng rác thải nhựa trên lại không được xử lý đúng cách. Với nhịp độ này đến năm 2050 sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất. Một trong số đó sẽ nằm trong lòng đại dương và tồn tại ở đó hàng thế kỷ. Điều này tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, kinh tế và đặc biệt là có ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của con người. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 20% bề mặt thảm thực vật trên hành tinh cho thấy xu hướng giảm năng suất liên quan đến xói mòn, cạn kiệt và ô nhiễm ở tất cả các nơi trên thế giới. Đến năm 2050, suy thoái và biến đổi khí hậu có thể làm giảm 10% năng suất cây trồng trên toàn cầu và tới 50% ở một số khu vực.
Năm nay, ngày Môi trường thế giới với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”. Phục hồi hệ sinh thái có nghĩa là hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị phá hủy, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn. Các hệ sinh thái lành mạnh hơn, với đa dạng sinh học phong phú hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho con người như đất đai màu mỡ hơn, sản lượng gỗ, cá lớn hơn và lượng khí nhà kính được lưu trữ lớn hơn. Phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc là một lời kêu gọi tập hợp nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Nó nhằm mục đích ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh, chúng ta mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, Hà Giang triển khai đến các cơ quan ban ngành trên địa bàn thực hiện nhiều hoạt động như dọn dẹp vệ sinh cảnh quan, thu gom rác thải, tuyên truyền tới mọi tầng lớp người dân nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, siêu thị và người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; hạn chế sử dụng đồ nhựa, giảm thiểu đóng bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông, sử dụng cac sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng; không buôn bán, sử dụng các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên bảo vệ.
Thùy Dung (tổng hợp)