Nữ Trạm trưởng Trạm Y tế xã hết lòng với người bệnh vùng biên


Chị Lương Thị Nhung tuyên truyền cho người dân thôn Na Cho Cai về phòng chống dịch bệnh

Chị Lương Thị Nhung tuyên truyền cho người dân thôn Na Cho Cai về phòng chống dịch bệnh

       Đối với người dân xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ thì từ lâu nữ Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lương Thị Nhung đã trở nên quen thuộc với họ; chính bởi sự tận tâm, yêu nghề và trách nhiệm trong công việc của chị đã thực sự tạo được niềm tin cho người bệnh nơi đây.

      Chị Lương Thị Nhung, sinh ra và lớn lên tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Năm 2005 sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Hà Giang chị được về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Quản Bạ, đến năm 2006 được điều động về Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận và sau đó chị tiếp tục học Đại học Y Thái Bình. Với những thành tích đạt được trong quá trình công tác, năm 2013 chị được bổ nhiệm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa Thuận cho đến nay.

      Nghĩa Thuận là xã biên giới của huyện Quản Bạ, có 9 thôn, địa hình chia cắt, đường từ xã tới một số hộ gia đình có những đoạn vẫn phải đi bộ. Trước đây mỗi lần mắc bệnh, người dân thường có phong tục hơ lửa với hy vọng sẽ khỏi bệnh... Đây là những khó khăn, trở ngại lớn nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đối với mỗi cán bộ y tế của xã.

      Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với lĩnh vực y tế trên địa bàn xã, cũng như muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì bản thân người Trạm trưởng phải gương mẫu, đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì thế chị Nhung đã cùng tập thể cán bộ của Trạm xây dựng kế hoạch cho từng chương trình, từng lĩnh vực, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ. Khó khăn, vướng mắc ở đâu sẽ được chị tháo gỡ ngay ở đó, những lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của mình, chị xin ý kiến chỉ đạo của UBND xã, của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện. Cứ như thế, những khó khăn, thách thức, những trở ngại được chị và các đồng nghiệp tháo gỡ, khắc phục. Phát huy sức mạnh tập thể, mỗi cán bộ của Trạm được phụ trách từng lĩnh vực cụ thể nên ai cũng thấy được trách nhiệm của mình với công việc được đảm nhiệm, vì thế công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn được thực hiện theo kế hoạch đề ra và đạt hiệu quả.

       Chị Nhung chia sẻ: Với địa bàn xã vùng sâu, vùng xa như Nghĩa Thuận, vấn đề khó khăn nhất trong công chăm sóc sức khỏe nhân dân là thay đổi hành vi, nhận thức, tập tục lạc hậu của người dân. Trong đó công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe là một trong những nhiệm vụ tiên quyết nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói quen có hại cho sức khỏe. Xác định được điều đó, chị đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, vận động khi gia đình có người bị ốm đau phải đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm. Bằng cách làm đó đã giúp cho nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình được nâng lên; khi ốm đã chủ động liên hệ với cán bộ y tế xã hoặc đến Trạm để khám và điều trị. Nhờ đó góp phần giảm tải số bệnh nhân chuyển tuyến và tạo được niềm tin của nhân dân trong xã. Những năm gần đây trên địa bàn xã không để xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm. Trong năm 2020, số lượt người khám, chữa bệnh tại xã là 4.065 lượt, đạt 101,6% kế hoạch. Tổng số bệnh nhân nội trú: 181 lượt đạt 90,5%. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai thực hiện tại 9/9 thôn, bản. Hàng tháng Trạm luôn cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, đảm bảo chất lượng thuốc và cơ số thuốc theo danh mục của Bộ Y tế và Sở Y tế, nhằm đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh; chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân và công tác phòng, chống dịch bệnh cho người dân trên địa bàn xã...

       Đặc biệt từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương trong nước và trên địa bàn tỉnh có ca dương tính, chị và cán bộ của Trạm luôn trong tư thế sẵn sàng phòng, chống dịch. Khi nhận thông tin có công dân từ vùng dịch trở về, bất kể thời tiết nắng hay mưa, ngày hay đêm chị đã cùng cán bộ của Trạm xuống tận nơi để tiếp nhận công dân đúng theo quy trình và đưa đến các khu cách ly y tế theo quy định đồng thời đến từng hộ gia đình của các thôn để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

       Gần 15 năm gắn bó với mảnh đất vùng biên này, đối với những người dân nơi đây, chị Nhung như người bạn thân thiết của mỗi gia đình bởi không có tháng nào là chị không đến để tuyên truyền, giám sát dịch bệnh và nắm tình hình sức khỏe của họ. Chị Sùng Thị Liên, thôn Na Cho Cai nghẹn ngào nhớ lại: Năm 2018, người cháu của chị đã dại dột ăn lá ngón tự tử. Khi gia đình phát hiện và đưa cháu đến Trạm Y tế đã trong tình trạng rất nguy kịch, tưởng chừng như chẳng còn hy vọng được cứu sống nữa. Nhận thấy phải xử trí cấp cứu ngay tại Trạm bởi nếu chuyển tuyến bệnh nhân sẽ có thể tử vong, vì thế chị Nhung đã cùng cán bộ của Trạm tiến hành các biện pháp cấp cứu, rửa dạ dày, vừa trao đổi bằng điện thoại để thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ bệnh viện tuyến huyện, sau đó cháu bé được cứu sống trong niềm hạnh phúc của gia đình. Ngoài ra, còn có ca bệnh 3 giờ sáng đã được chị đỡ đẻ ngay tại ruộng ngô cách Trạm Y tế vài trăm mét... Giờ đây với người dân xã Nghĩa Thuận, chị Nhung thật gần gũi, trách nhiệm, luôn quan tâm và yêu thương người bệnh. Trong những buổi đi thôn, chị luôn tận dụng thời gian để thăm hỏi những gia đình có người già, yếu, phụ nữ mới sinh để tư vấn cho gia đình cách chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh.

       Không chỉ giỏi về chuyên môn, yêu nghề, chị còn là một người mẹ hiền, vợ đảm. Chồng là bộ đội nên chẳng mấy khi ở nhà, thương các con nên hết thời gian làm việc chị lại đi gần 20km để về nhà. Những ngày phải trực, chị lại nhờ mẹ trông các cháu giúp. Chị tâm sự: Mình rất yêu công việc, yêu mảnh đất vùng biên, yêu những con người nơi còn nhiều gian khó này, nên chị sẽ cố gắng, cùng tập thể cán bộ của Trạm phấn đấu thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

      Là người quản lý trực tiếp, Bác sỹ Lê Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quản Bạ cho biết: “Chị Lương Thị Nhung là một cán bộ trẻ, năng động, nhiệt tình, luôn hết mình vì công việc. Trong những năm qua chị Lương Thị Nhung đã cùng tập thể cán bộ của Trạm làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã. Đặc biệt trong năm 2020, cá nhân chị và Trạm Y tế đã được UBND xã, Trung tâm Y tế huyện và UBND tỉnh khen thưởng”.

Ngọc Ánh – Hoàng Doan


Các bài đã đăng

Xem thêm

Hộp thư điện tử

Mail Box

Mail Box

Mail Box

Website đơn vị trực thuộc
Thư viện ảnh

Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBPL

Dịch vụ công mức độ 4

danh sách cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện

danh sách cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học

Danh sách cơ sở đủ điều kiện diệt côn trùng diệt khuẩn

công khai địa chỉ mail lãnh đạo sở

Cơ Sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính

sàn thương mại điện tử Hà Giang

Kho phác đồ điều trị

Poster chuyển đổi số 10-10