Những năm gần đây, tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh sốt rét và tử vong do sốt rét đã giảm trên toàn quốc. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh sốt rét vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại do ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị. Vì vậy người dân cần trang bị kiến thức về bệnh sốt rét để biết cách phòng bệnh.
Hướng dẫn sử dụng hóa chất tẩm màn diệt muỗi tại thôn bản có bệnh sốt rét lưu hành
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) Plasmodium gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu do muỗi Anopheles đốt hút máu từ người bệnh có KSTSR và truyền bệnh sang người lành. Bệnh lưu hành có tính chất địa phương, có thể gây thành dịch. Bệnh có thể chữa khỏi và phòng chống được.
Tại tỉnh ta từ đầu năm đến nay không có trường hợp mắc ký sinh trùng sốt rét.
Biểu hiện của bệnh sốt rét
Biểu hiện của bệnh sốt rét có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: Loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ, cơ địa ký chủ như thai nghén, suy dinh dưỡng… Thời kỳ ủ bệnh trong bệnh sốt rét là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh tùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Thời gian này trung bình từ 9 đến 30 ngày thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt rét bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: Rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 đến 8 giờ, ngoài cơn sốt bệnh nhân không có cảm giác bị bệnh. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng đi kèm khác như là: Nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…
Đối với những người bị sốt rét lần đầu, kiểu sốt cơn điển hình như thế thì không thường gặp, trong khi những triệu chứng đi kèm khác lại thường xuất hiện, làm cho chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như là bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhiễm siêu vi… Trong khi đó, những người bị sốt rét thường xuyên sẽ có các triệu chứng thiếu máu mạn, gan to, lách to, suy kiệt.
Đường lây truyền: Bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu và có 4 phương thức lây truyền:
- Muỗi truyền từ người bệnh sang người lành: Đây là phương thức chủ yếu.
- Truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét.
- Mẹ truyền sang con qua nhau thai bị tổn thương (hiếm gặp).
- Tiêm chích: Bơm tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét, như tiêm chích ma túy (dùng chung bơm kim tiêm).
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét:
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc trẻ nhỏ, đặc biệt ở những vùng có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét cao.
- Người nhiễm HIV/AIDS.
- Khách du lịch từ những vùng, quốc gia không có dịch sốt rét đến vùng có dịch sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh do cơ thể chưa kịp để thích nghi để đề kháng lại các ký sinh trùng sốt rét.
Biện pháp phòng bệnh: Hiện nay khi chưa có vắc xin phòng ngừa sốt rét thì phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là phòng muỗi Anopheles truyền từ người bệnh sang người lành.
Các biện pháp cụ thể
- Diệt mầm bệnh: Khi được chẩn đoán mắc sốt rét có KSTSR, người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc hay nhân viên y tế về uống thuốc điều trị bệnh sốt rét, cụ thể: Đúng thuốc, đủ liều và đủ ngày điều trị theo quy định để tránh lây sang người khác làm nhiều người mắc, gây nên dịch sốt rét.
- Diệt muỗi truyền bệnh: Hưởng ứng các đợt phun hóa chất tồn lưu trong nhà hay tẩm màn hóa chất xua, diệt muỗi do cơ quan y tế địa phương thực hiện.
- Bảo vệ cá nhân: Khi đi làm nương, đi rừng và ngủ lại phải mang màn tẩm hóa chất xua, diệt muỗi để ngủ, sử dụng hương muỗi, kem xua muỗi, ban đêm phải ngủ trong màn.
- Làm sạch môi trường xung quanh nơi ở: Phát quang các bụi cây, bụi rậm xung quanh nhà, khơi thông các dòng chảy như rãnh nước đọng quanh nhà…
- Phun thuốc diệt muỗi: Đây là biện pháp tích cực tốt nhất cho vùng sốt rét lưu hành.
Ngoài ra, có thể trồng hoặc đặt những loại cây như cây sả, cây húng thơm, hương thảo, cúc vạn thọ trong nhà, sân vườn… Chúng vừa thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho sức khỏe lại giúp phòng chống và xua đuổi muỗi hiệu quả.
Thu Ngân (soạn)