Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, lắp đặt nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân tại xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên.
Cách đây 61 năm, ngày 02.7.1958 Bác Hồ đã viết bài “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572, trong đó công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân được Bác cho là một trong những công việc quan trọng bậc nhất. Bác thường xuyên nhắc nhở: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Trong 5 Điều dạy thiếu niên, nhi đồng, Bác cũng đã dành một điều để nhắc nhở các cháu học sinh đó là phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, ngày 19/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 02 tháng 7 hàng năm là ngày “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” nhằm nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, từng gia đình và mỗi người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc Việt Nam.
Tại tỉnh ta, Ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát, tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường; Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, lắp đặt, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã, thôn bản; Thực hiện tốt chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia gắn với xây dựng Nông thôn mới; Phát động nhiều phong trào hưởng ứng “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Phong trào phòng chống dịch bệnh với các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm như vệ sinh làng bản, khơi thông cống rãnh, diệt bọ gậy và phun tẩy khử trùng tiêu độc tại các vùng nguy cơ, nơi có ca bệnh dịch lưu hành; Phong trào xây dựng làng văn hóa sức khỏe cộng đồng; Phong trào Vệ sinh môi trường với ba công trình vệ sinh cơ bản gồm: Chuồng trại gia súc, gia cầm, nhà tiêu hộ gia đình, nước sạch hộ gia đình, nhà tắm, bể nước hợp vệ sinh; Phong trào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc thực hiện mô hình điểm kiểm soát điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố tại thành phố Hà Giang,... nhằm thay đổi những hành vi, thói quen lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh hướng tới thực hiện những hành vi có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong toàn tỉnh, y tế tường học về nước sạch và vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng,… được triển khai thường xuyên.
Tuy nhiên với địa bàn rộng, đường đi lại còn khó khăn, dân cư không tập trung, một phần nhỏ người dân còn bất đồng về ngôn ngữ; Còn một số phong tục tập quán lạc hậu; Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của người dân còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nhiều dịch bệnh phát sinh, một số dịch bệnh cũ đang có xu hướng bùng phát trở lại. Bên cạnh đó trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới. Môi trường sống ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng bởi các hóa chất như hóa chất bảo vệ thực vật, các chất thải trong sản xuất và sinh hoạt,… đã ảnh hưởng tới chất lượng không khí thở, nước, thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày và tác động trực tiếp sức khỏe của mỗi chúng ta.
Vì vậy, để đảm bảo không khí trong lành, ăn uống an toàn, sức khỏe nâng cao, phòng chống bệnh tật, mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng cần:
- Chủ động, tích cực tham gia phong trào, phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện, đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày, ở mọi lúc, mọi nơi;
- Thực hiện tốt phong trào “5 không, 3 sạch” gồm: Sạch nhà - Sạch bếp - Sạch ngõ; Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể; Ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thể thao.
- Thực hành tốt về vệ sinh trong nuôi trồng, giết mổ, sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm.
- Xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, di rời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà và không thả rông gia súc.
- Quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường...
Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, vì vậy mỗi chúng ta chỉ cần thay đổi những thói quen rất nhỏ trong đời sống hàng ngày cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường, thiên nhiên giúp chúng ta có bầu khí thở trong sạch, nguồn nước mát lành..., nâng cao sức khỏe.
Hồng Mai