Sữa mẹ - Nguồn dinh dưỡng vô cùng quan trọng của bé
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất giúp bé phát triển thể chất và trí não, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời. Không nhiều người biết rằng, sữa mẹ có khả năng thay đổi theo nhu cầu sức khỏe của trẻ sơ sinh:
1. Thành phần của sữa mẹ
- Nước: Sữa mẹ chứa rất nhiều nước, cung cấp cho bé lượng nước cần thiết, giúp bé điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, phát triển tốt hơn đặc biệt giai đoạn bé từ 0 - 6 tháng tuổi.
- Chất béo: Đây là thành phần quan trọng và chủ yếu trong sữa mẹ. Chất béo có trong sữa mẹ có nhiều thành phần như Omega-3, DHA, AA giúp trẻ phát triển trí não toàn diện nhất. Ngoài ra, trong chất béo của sữa mẹ có chứa men tiêu hóa mỡ Lipase giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn, hạn chế đầy hơi, chướng bụng.
- Protein: Protein ở sữa mẹ tồn tại dưới dạng huyết thanh rất mềm mại, dễ hấp thụ, dễ tiêu hóa và đặc biệt giàu yếu tố tăng trưởng giúp trẻ phát triển cả trí não và thể chất. Ngoài ra, Protein trong sữa mẹ có chứa lysozyme có công dụng kháng khuẩn tốt, giúp trẻ chống lại những tác nhân gây bệnh của môi trường bên ngoài.
- Cacbohydrat: Trong sữa mẹ có Lactose và Oligosaccharide được coi là 2 cacbohydrat quan trọng và chủ yếu. Các chất này hỗ trợ sự phát triển trí não, đồng thời giúp hệ tiêu hóa, đường ruột của trẻ hoạt động tốt hơn.
- Men: Bao gồm các loại men tiêu hóa lipase, amylase, hormone prolactin, thyroid, oxytocin có tác dụng tăng sức khỏe đường ruột, cân bằng sinh hóa cho trẻ.
- Hormone: Các hormone trong sữa mẹ bao gồm hormone tuyến giáp, relaxin, endorphin, erythropoietin, cortisol, leptin, estrogen, progesterone...
- Vitamin và khoáng chất: Đều là những chất rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Trong sữa mẹ có nhiều chất sắt, canxi, selen tất cả đều dễ hấp thu, giúp trẻ có hệ xương khỏe, răng khỏe và hệ tiêu hóa tốt, trí não phát triển toàn diện.
- Enzyme: Trong sữa mẹ có tới 40 loại enzyme khác nhau hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ.
Với những thành phần quan trọng và thiết yếu cho sức khỏe của bé, sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng và mang tới cho trẻ sức đề kháng, sự tăng trưởng tuyệt vời.
2. Tầm quan trọng của sữa mẹ trong từng giai đoạn khác nhau.
Sữa mẹ cũng được chia thành từng loại và mỗi loại sẽ có những khoảng thời gian khác nhau:
- Sữa non: Là loại sữa được tiết ra trong 3 ngày sau sinh, sữa đặc sánh, có màu vàng nhạt hoặc trong chứa rất nhiều đạm. Nên cho trẻ bú sữa non trong những bữa bú đầu tiên.
- Sữa trưởng thành: Sau khoảng 3 - 4 ngày sữa mẹ sẽ chuyển từ sữa non sang sữa trưởng thành. Lúc này số lượng sữa sẽ nhiều hơn, căng đầy 2 bầu vú.
- Sữa bữa đầu: Là sữa được tiết ra đầu tiên trong bữa bú của trẻ. Sữa có màu trắng trong, số lượng nhiều, chứa nhiều đạm, đường, nước và khoáng chất.
- Sữa bữa cuối: Là sữa được tiết ra cuối cùng trong bữa bú của trẻ. Sữa có màu trắng đục.
3. Tầm quan trọng và lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ
- Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ:
+ Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng được nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu.
+ Sữa mẹ giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động tốt hơn, phòng ngừa được các chứng bệnh nhiễm khuẩn nhất là bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp.
+ Sữa mẹ dễ tiêu hóa phù hợp với dạ dày non nớt của bé và hấp thụ tốt hơn.
+ Sữa mẹ giúp trẻ phát triển toàn diện, đặc biệt là trí não
- Lợi ích cho các bà mẹ: Cho con bú sữa mẹ cũng có tác dụng tích cực dành cho mẹ:
+ Cho trẻ bú sớm sau sinh giúp quá trình sổ rau, kích thích co hồi tử cung, giảm nguy cơ chảy máu sau sinh rất tốt.
+ Cho bé bú thường xuyên sẽ giúp kích thích tăng cường sản xuất sữa và giảm thiểu cảm giác căng tức ở vú mẹ.
+ Cho con bú mẹ cũng giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng ở mẹ.
+ Cho bé bú từ sớm cũng sẽ giúp tăng cường tình cảm mẹ con hơn.
+ Mẹ nuôi con bằng sữa tự nhiên sẽ làm chậm quá trình có kinh của mẹ.
+ Cho con bú giúp mẹ đốt cháy calo, năng lượng dư thừa
+ Nuôi con bằng nguồn sữa mẹ cũng tiết kiệm chi phí mà lại an toàn cho sức khỏe của con.
- Lợi ích đối với xã hội khi mẹ cho con bú: Với những dưỡng chất cần thiết và đặc biệt hạn chế bệnh của trẻ, nuôi con bằng nguồn sữa mẹ giảm thiểu các nguy cơ bệnh tật, giảm chi phí y tế.
Trong 6 tháng đầu sau sinh, sữa mẹ đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Từ tháng thứ 7 - 12 sữa mẹ chỉ có thể cung cấp được khoảng 70% nhu cầu của trẻ. Từ 1 - 2 tuổi chỉ còn cung cấp khoảng 30 - 40%.
4. Mẹ ăn gì để đủ sữa cho con bú
Dinh dưỡng cho mẹ trong thời gian cho con bú rất quan trọng. Mẹ ăn đủ chất sẽ giúp con có đủ sữa, sữa đủ dinh dưỡng nuôi dưỡng trẻ. Khi cho con bú mẹ không được bỏ bữa, nên ăn thêm các bữa phụ. Ăn đủ chất, không nên kiêng cữ quá nhiều. Theo chuyên gia dinh dưỡng thì những thực phẩm mà mẹ cho con bú nên ăn như:
- Cá: Có nhiều Omega - 3. Những loại cá nên ăn như Cá chim, cá mòi, cá thu, cá hồi, cá ngừ (tươi), cá tuyết, cá rô phi, cua, tôm, hàu, sò điệp…
- Nhóm các loại hạt: Hạnh nhân, hạt bí ngô, hạt óc chó,…
- Nhóm các loại dầu: Dầu hạt cải, dầu đậu nành, bơ thực vật…
- Nhóm các loại rau màu xanh đậm: Bắp cải, rau chân vịt, bông cải, bí đỏ, đu đủ…
- Các thực phẩm khác: Trứng, trứng cá (đen, đỏ), lươn…
Ngoài ra nên bổ sung thêm trái cây tươi để giải nhiệt và tăng cường vitamin cho mẹ.
Đó là tầm quan trọng và những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ mà nguồn sữa mẹ mang lại cho bé. Ngoài ra các mẹ cũng nên tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để có được những tư vấn tốt nhất cho quá trình chăm sóc con của mình trong vòng 6 tháng đầu đời.
Hoàng Cẩm