Theo tổng hợp tình hình tai nạn thương tích từ các tuyến, trong 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh xảy ra 132 trường hợp trẻ từ 0- 4 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó có 07 trường hợp trẻ em bị bỏng, chiếm 5,3%
Hình ảnh trẻ bị bỏng toàn thân
Nguyên nhân gây bỏng ở trẻ từ 0- 4 tuổi chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn như: vừa trông trẻ vừa làm việc nhà và để phích nước, nồi canh, thức ăn nóng,... gần tầm với của trẻ.
Bỏng là những tổn thương đối với da hoặc cơ do bị tác động bởi nhiệt do lửa, nước nóng hoặc hơi nước nóng, điện, hóa chất, hay bức xạ khi toàn bộ lớp da bị phá hủy. Bỏng được chia làm 5 độ; độ I tổn thương lớp nông biểu bì (viêm da cấp biểu hiện đỏ, rát); Độ II khi mức độ tổn thương đến hết lớp sâu biểu bì (biểu hiện phỏng nước); Độ III là tổn thương đến lớp nhú và lớp lưới trung bì; Độ IV là mức độ tổn thương sâu hết lớp da (mức độ này da không tự liền được vì không còn các thành phần biểu mô) và Độ V là mức độ nặng nhất đó là những vùng sâu dưới da như mô hoặc cơ hay xương, nội tạng cũng bị tổn thương.
* Các biến chứng của bỏng:
Bỏng sâu và lan rộng có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng, bao gồm:
- Nhiễm trùng khu vực: Bỏng có thể để lại làn da dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, khi đã nhiễm trùng nghiêm trọng dẫn đến nhiễm trùng máu và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
- Nhiễm trùng lan rộng: Nhiễm trùng máu xảy ra khi vi khuẩn nhiễm vào máu và lan truyền trên khắp cơ thể tiến triển nhanh chóng sẽ đe dọa đến mạng sống.
- Mất nước: Bỏng có thể làm hỏng các mạch máu và gây ra mất nước.
- Hạ nhiệt độ cơ thể: Khi một phần lớn da bị tổn thương, bị mất nhiệt cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ bị giảm thân nhiệt, nhiệt độ cơ thể thấp gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Vấn đề thở: Thở hít phải không khí nóng hoặc khói có thể tổn thương đường hô hấp và gây ra khó thở.
- Sẹo: Bỏng nặng có thể gây ra những vết sẹo và u sùi.
- Xương, khớp: Bỏng sâu có thể hạn chế chuyển động của xương và khớp, kéo khớp vĩnh viễn ..
* Phương pháp sơ cứu:
- Khi bị bỏng phải sơ cứu nhanh và khẩn trương để tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
- Không được bôi nước mắm, xát muối, kem đánh răng, chườm đá vào chỗ bị bỏng vì sẽ làm trẻ đau đớn hơn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Khi bị bỏng phải ngâm ngay bộ phận cơ thể bị bỏng vào nước sạch.
- Những trường hợp bỏng nặng như bỏng hóa chất, vôi.. thì ngay lập tức cởi bỏ quần áo, đồ trang sức dính những chất này, dùng bàn chải hay chổi lông mềm lau hết các chất đó sau đó xả nước lạnh ngâm, rửa sạch, rồi bọc vùng bị bỏng bằng vải khô nhưng tránh không buộc chặt.
- Nếu bị bỏng ở mắt do hóa chất bắn vào thì phải rửa mắt ngay, ngâm mắt trong nước khoảng 20 phút cho sạch hóa chất, sau đó dùng vải mỏng băng mắt lại và đưa trẻ đến cơ sơ y tế để cấp cứu.
* Phòng tránh tai nạn bỏng cho trẻ:
- Không cho trẻ chơi, nô đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện...
- Không để dụng cụ đựng nước nóng trong tầm tay với của trẻ em như nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống xả xe máy...
- Khi bưng bê nước nóng, thức ăn mới nấu,... cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng.
- Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Nhiệt độ nước dùng để tắm rửa cũng phải cần kiểm tra cẩn thận.
- Luôn luôn cất giữ các chất dễ gây cháy bỏng vào tủ có khóa hoặc để ở những nơi ngoài tầm tay với của trẻ em.
- Không được để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp lửa đang đun nấu, cồn, xăng, hóa chất...
- Không nên để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh, luôn luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm rửa.
- Trong việc chăm sóc, phải luôn trông chừng trẻ đúng cách, cần thường xuyên để ý đến trẻ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
- Khi chăm sóc trẻ nhỏ, không được vừa bồng bế trẻ vừa ăn các thức ăn, đồ uống nóng hoặc bưng bê các loại thức ăn, đồ uống nóng.
Sau khi sơ cứu vết bỏng cần đưa trẻ đến cơ sở Y tế ( trử bỏng độ I) để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng cho trẻ
Bs. Hoàng Cẩm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật