Đau lưng thường xuyên ở phụ nữ cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư đường sinh sản là ung thư xuất phát từ phần phụ của nữ giới. Đây là cơ quan chính có chức năng sinh sản, gồm các bộ phận quan trọng: Buồng trứng, vòi trứng, tử cung, cổ tử cung (CTC), âm đạo và bộ phận sinh dục ngoài. Đáng lo ngại là những cơ quan này lại có nguy cơ ung thư cao hơn nhiều lần so với các bộ phận khác trên cơ thể.
Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư đường sinh sản ở phụ nữ tại Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng nhanh, trong đó ung thư sinh dục bao gồm: Ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (UTCTC), ung thư sâm lấn CTC trong đó ung thư vú và UTCTC là hai loại ung thư thường gặp nhất. UTCTC là một trong những bệnh phổ biến trong các loại ung thư đối với phụ nữ trên toàn thế giới và đứng thứ hai sau ung thư vú thường gặp ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên. Chính vì vậy, chị em phụ nữ cần chủ động trong việc đi khám phụ khoa kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Chảy máu bất thường: Chảy máu âm đạo bất thường có liên quan đến ung thư cổ tử cung. Tình trạng này có thể xuất hiện sau khi giao hợp hoặc giữa kỳ kinh nguyệt. Lượng máu ra nhiều hơn chu kỳ kinh nguyệt bình thường hoặc chảy máu sau khi mãn kinh cũng là những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung. Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của ung thư cổ tử cung.
Đau vùng chậu: Ngoài chảy máu bất thường, đau vùng chậu cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung thường gặp nhất. Các cơn đau có thể được khuếch tán, hoặc có thể xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào ở xương chậu, có thể đau buốt hoặc âm ỉ. Nếu cơn đau mới xuất hiện và không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt cần phải đi khám phát hiện sớm những bất thường.
Tiết dịch âm đạo bất thường: Tiết dịch âm đạo màu xám, có mùi hôi cũng là dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch tiết âm đạo bất thường. Không cần quá lo lắng về điều đó, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm nguyên nhân.
Mệt mỏi: UTCTC cũng là một trong nhiều vấn đề sức khoẻ có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi hoặc uể oải không rõ nguyên nhân.
Thay đổi thói quen tiểu tiện: Đi tiểu hoặc có cảm giác mót tiểu thường xuyên là những triệu chứng liên quan đến căn bệnh này, cũng có thể nhận thấy sự thay đổi khác thường trong đặc điểm của phân. Vì vậy, nếu có 2 triệu chứng trên nên đi khám và được tư vấn của bác sỹ.
Đau khi quan hệ: Đau khi quan hệ tình dục thường là triệu chứng của ung thư cổ tử cung. Do đó, cần phải thận trọng nếu cảm thấy đau trong quá trình giao hợp.
UTCTC khả năng cao là do HPV (Human Papillomavirus) gây ra. Chúng là một nhóm virus gồm hơn 200 loại khác nhau, tuy nhiên một phần trong số đó lan truyền qua đường sinh dục. HPV được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có khoảng 14 typ HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 đã được xác định là nguyên nhân ung thư cổ tử cung chủ yếu.
Đa số tất cả mọi người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều nhiễm với HPV ít nhất một lần trong đời, tuy nhiên một nửa trong số đó có nguy cơ mắc HPV nguy cơ cao. Khi bị nhiễm HPV, cơ thể sẽ được kích hoạt hệ thống miễn dịch để chống lại sự lây nhiễm này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công, trong trường hợp bị nhiễm HPV nguy cơ cao, do đó chúng ta sẽ có khả năng bị ung thư trong sau này.
Tiêm phòng HPV: UTCTC có thể phòng được nếu phát hiện ở giai đoạn đầu thì cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao vì vậy khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc UTCTC nhằm phát hiện sớm và điều trị biến đổi tiền UTCTC là vô cùng cần thiết. Đối với phụ nữ chưa hoặc đã có quan hệ tình dục trong độ tuổi từ 9 - 26 tuổi nên tiêm vắc xin phòng bệnh UTCTC. Theo khuyến cáo, cần tiêm đủ 3 mũi văc xin ngừa HPV trong vòng 6 tháng.
Hạn chế sử dụng thuốc tránh thai và các liệu pháp hormon: Có một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, sử dụng thuốc tránh thai hay các liệu pháp hormon liên tục có thể gây ra UTCTC. Do đó nên hạn chế sử dụng các liệu pháp này hoặc tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ trong trường hợp bắt buộc.
Tình dục an toàn: Để không bị nhiễm virus HPV, bác sĩ khuyên mọi người nâng cao ý thức thực hành tình dục an toàn, hạn chế dùng thuốc tránh thai đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp. Thay vào đó nên áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn như sử dụng bao cao su.
Chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu, bia: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng chống lại các nguy cơ gây bệnh ung thư nói chung, UTCTC nói riêng. Phụ nữ nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin E, A, C và canxi là những chất chống ôxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do, từ đó ngăn ngừa ung thư. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường kể trên hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị bệnh kịp thời.
Thu Ngân (soạn)