Y tế cơ sở (YTCS) được coi là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế vì đây là cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân nhất. Nâng cao chất lượng YTCS không những giúp giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên mà người dân còn được chăm sóc sức khỏe kịp thời với chi phí thấp, giảm gánh nặng bệnh tật và tạo sự công bằng xã hội. Nhất là đối với một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như Hà Giang, địa hình đồi núi phức tạp, người dân còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu thì việc ứng dụng công
Các y, bác sĩ Phòng khám ĐKKV Nậm Dịch (Hoàng Su Phì) giao ban trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Hoàng Su Phì
Thực hiện Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ Y tế về khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu: "Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới”. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân". Trong thời gian qua, ngành Y tế tích cực đưa ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện về nâng cao chất lượng tại tuyến YTCS như: 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế giải quyết các lỗi phát sinh, nâng cấp phần mềm tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng đã góp phần cập nhật đầy đủ, nhanh, chính xác dữ liệu tiêm chủng, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho các đối tượng tiêm so với cách làm truyền thống, điều này được thể hiện rõ nét trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 thời gian qua, hiện tỷ lệ người được ký số hộ chiếu vắc xin là 779.696 mũi tiêm tương ứng 398.927/484.909 đối tượng đạt trên 82%.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Sở Y tế đã triển khai giải pháp kỹ thuật số tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến YTCS sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” từ năm 2020, thông qua chức năng họp trực tuyến có hình ảnh, cho phép kết nối đa điểm để thực hiện các buổi giao ban định kỳ, sinh hoạt chuyên môn, hội chẩn giữa Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện đa khoa huyện và Trạm Y tế xã nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ YTCS. Hiện nay, hoạt động khám chữa bệnh từ xa đã được triển khai đến 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, từ đó không chỉ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ YTCS mà người dân được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, hạn chế chuyển tuyến và chi phí khám chữa bệnh, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh khi mà điều kiện kinh tế, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn.
Bác sĩ Sin Ngọc Thinh, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì cho biết: từ khi triển khai chương trình khám chữa bệnh từ xa tại phòng khám, chúng tôi được tham dự giao ban chuyên môn hàng ngày với Bệnh viện huyện, bên cạnh việc kịp thời trao đổi chuyên môn, nâng cao kinh nghiệm trong điều trị cho người bệnh thì người dân cũng rất đón nhận, tin tưởng hơn, yên tâm khám chữa bệnh ngay tại địa phương vì nhận được sự tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, điều trị từ các bác sĩ tuyến trên.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào khám chữa bệnh tại tuyến YTCS trong thời gian qua đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân nơi vùng sâu, vùng xa được tư vấn, tiếp cận và hưởng lợi về chất lượng chăm sóc và điều trị. Qua đó, có thể khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dần xóa đi rào cản về địa lý, tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nơi tuyến đầu./.
Thùy Dung