Ung thư là tên gọi chung của một tập hợp các bệnh có liên quan sự phân chia tế bào một cách vô tổ chức và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những tế bào khác bằng cách phát triển trực tiếp vào các mô lân cận hay chuyển đến nơi khác xa hơn (di căn).
Hình ảnh ung thư gan (nguồn Internet)
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2020 tại Việt Nam số người mắc ung thư mới ước tính có 182.500 ca mắc mới và có 122.600 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Theo GLOBOCAN, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Có thể thấy, tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang gia tăng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ung thư như: do di truyền, do lối sống, do môi trường, do vi rút, vi khuẩn,… Ung thư hiện nay vẫn là một nỗi sợ của nhiều người nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chúng ta biết xây dựng cho mình một chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao và sinh hoạt hợp lý.
Lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống bệnh ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người mắc và có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thường là những người có nhiều thói quen không tốt cho sức khỏe như uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, ăn nhiều thức ăn có hại cho sức khỏe, lười vận động, thức khua, quan hệ tình dục không an toàn…Do đó chúng ta phải xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, bỏ hoặc hạn chế thói quen uống bia rượu, hút thuốc lá và những thói quen có hại khác. Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố độc hại, đeo khẩu trang khi ra đường, khi làm việc, trong môi trường có nhiều bụi, hóa chất…
Chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý
Lựa chọn thực phẩm sạch, xây dựng bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng để có một cơ thể khỏe mạnh và phòng chống nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng: protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng để làm tăng sức đề kháng với các tế bào ung thư. Ăn đa dạng nhiều món và thường xuyên thay đổi món trong các bữa ăn. Ăn nhiều trái cây và rau để hấp thụ đủ những sinh tố và chất xơ, nhất là các thực phẩm phòng chống ung thư như: bơ, cải xanh, bắp cải, đu đủ, dứa, tỏi, hành, khoai lang, đậu phụ, cà chua, súp lơ, táo, nho, cam và trái cây thuộc họ cam…
Không nên hoặc hạn chế
Ăn các thực phẩm chứa nguy cơ gây ung thư như: các món nướng ở nhiệt độ cao bị cháy khét, thực phẩm sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, các thực phẩm phơi khô… Ăn các loại thức ăn nhanh như xúc xích, dăm bông, đồ hộp, gà rán... Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng ....
Tích cực luyện tập thể dục thể thao
Những ai thường xuyên hoạt động chân tay sẽ ít bị mắc các bệnh ung thư hơn so với những người chỉ quen ngồi một chỗ. Vì vậy, mỗi người nên thường xuyên vận động, tự xây dựng cho mình một chế độ luyện tập hàng ngày như chạy bộ, đi bộ, bơi lội hoặc tham gia các loại hình khác như: Erobic, tập thể hình, yoga… để nâng cao sức khỏe.
Khám sức khỏe định kỳ
Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì luôn để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư. Ngoài ra nên thực hiện những khuyến cáo dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh:
Ngoài ra, cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng được các bệnh mà khi mắc rất dễ tiến triển thành ung thư như: tiêm vắc xin phòng viêm gan vi rút B, HPV…
Liên Hương (Tổng hợp)