HUYỆN VỊ XUYÊN NỖ LỰC GIẢM TỶ LỆ TRẺ EM SUY DINH DƯỠNG


Huyện Vị Xuyên có 116.428 nhân khẩu, 25.932 hộ; trong đó hộ nghèo chiếm 33,56%. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp nên đời sống kinh còn khó khăn. Do vậy, tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện vẫn còn ở mức cao. Trước thực trạng đó, huyện Vị Xuyên đã triển khai nhiều giải pháp nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng

Cán bộ Trạm Y tế xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên đo chiều cao cho trẻ

Cán bộ Trạm Y tế xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên đo chiều cao cho trẻ

Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) dưới 5 tuổi trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên đã tham mưu cho cấp tỉnh; huy động sự vào cuộc của các các cấp, các ngành của huyện tham gia phòng, chống SDDTE; đồng thời củng cố, kiện toàn mạng lưới cán bộ chuyên trách và đào tạo kỹ năng tư vấn, thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống suy dinh dưỡng đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Tổ chức lớp tập huấn, truyền thông thực hành dinh dưỡng, trang bị kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ, phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng của trẻ cũng như cách chăm sóc nuôi dưỡng và nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ cho bà mẹ đang nuôi con bú, bà mẹ có con suy dinh dưỡng và phụ nữ đang mang thai.

Chị Nguyễn Thị Tam, phụ trách chương trình phòng, chống SDDTE, Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên cho biết: "Để thực hiện chương trình phòng, chống SDDTE, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai kế hoạch, giám sát hỗ trợ cân, đo trẻ đồng loạt cho trẻ từ 0 - 5 tuổi, kết hợp cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A; xây dựng kế hoạch cấp phát viên đa vi chất hàng tháng cho phụ nữ có thai và bà mẹ sau đẻ 1 tháng tại 24/24 xã, thị trấn; xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông ngày vi chất dinh dưỡng; triển khai kế hoạch thực hành dinh dưỡng cho trẻ từ 0 - 5 tuổi bị SDD và bà mẹ có thai; triển khai các hoạt động giám sát, hỗ trợ cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến xã và cộng tác viên dinh dưỡng thôn bản, tổ chức các buổi truyền thông, giáo dục về dinh dưỡng cho trẻ và bà mẹ mang thai bằng nhiều hình thức: Treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về phòng, chống suy dinh dưỡng bào thai, uống bổ sung vi chất dinh dưỡng, sử dụng muối i-ốt, ăn bổ sung hợp lý, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh thường gặp; tiêm chủng, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ".

Bên cạnh đó, trong ngày tiêm chủng hàng tháng, tại các trạm Y tế xã, việc tư vấn chăm sóc, phòng, chống SDDTE cho các bà mẹ đang nuôi con dưới 5 tuổi được chú trọng. Công tác quản lý sức khoẻ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi được thực hiện có hiệu quả với việc khám sức khoẻ, cân đo định kỳ gắn với các biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ khi bị ốm. Cộng tác viên dinh dưỡng, cán bộ y tế luôn chủ động đến thăm và tư vấn cách chăm sóc cho gia đình có trẻ dưới 5 bị tuổi suy dinh dưỡng, bị ốm để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ. Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ SDD cân nặng và chiều cao giảm rõ rệt qua từng năm. Cụ thể: Tỷ lệ SDD cân nặng/tuổi ở trẻ dưới 5 tuổi từ 20,9% năm 2011 giảm còn 15,85% năm 2021 và tỷ lệ SDD chiều cao/tuổi ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 33,8% năm 2011 xuống còn 25,99% năm 2021. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi cân nặng/tuổi giảm đáng kể còn 15,44%; tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi chiều cao/tuổi còn 25,62%.

Nữ hộ sinh, Phạm Thị Minh, Phụ trách trạm Y tế xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên chia sẻ: "Trạm Y tế xã Thanh Đức đã xây dựng kế hoạch hoạt động chương trình phòng, chống SDDTE cũng như kế hoạch truyền thông trên địa bàn xã. Phối hợp với các nhân viên y tế thôn, bản đẩy mạnh công tác truyền thông như: Truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, tư vấn tại hộ gia đình, hướng dẫn người dân cách chế biến thức ăn cho trẻ, hướng dẫn cho người dân lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn cho các bà mẹ nuôi con nhỏ. Tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, cho trẻ uống viên đa vi chất vào 2 đợt (tháng 6 và tháng 12). Qua đó, các bà mẹ và người nuôi trẻ đã hiểu được cách lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn và giàu chất dinh dưỡng để chế biến cho trẻ ăn hàng ngày, giúp cho trẻ tăng cân và phát triển khỏe mạnh".

Chị Triệu Thị Cháy, Thôn Nặm Lạn, xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên cho biết: Hiện con em được 7 tháng tuổi, hàng tháng vào ngày tiêm chủng em thường cho con đi tiêm. Khi đến trạm Y tế xã được các y, bác sỹ khám, tư vấn rất nhiệt tình, đồng thời cân, đo chiều cao, cho trẻ uống vitamin A và hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc con tại nhà, cách lựa chọn thực phẩm tươi sống để chế biến thức ăn hàng ngày cho con, luôn đảm bảo đủ dinh dưỡng giúp cho con phát triển khỏe mạnh".

Bằng các hoạt động thiết thực, công tác phòng, chống SDDTE trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Để công tác phòng, chống SDDTE đạt kết quả cao hơn nữa, thời gian tới huyện Vị Xuyên sẽ tiếp tục tham mưu cho ban, ngành, đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về chăm sóc phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ tại cộng đồng, nhất là tại vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn; củng cố và phát triển mạng lưới y tế thôn bản, cộng tác viên tích cực tham gia tuyên truyền tư vấn, hướng dẫn nâng cao kiến thức dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ. Bên cạnh đó, vì sự phát triển toàn diện của trẻ, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng của trẻ; thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao để biết trẻ phát triển bình thường hay bị suy dinh dưỡng. Từ đó, cán bộ y tế sẽ kịp thời tư vấn và có biện pháp hỗ trợ các gia đình chăm sóc trẻ em nhằm ngăn chặn tình trạng SDDTE, góp phần nâng cao chất lượng dân số và công tác phòng, chống SDD trẻ em trên địa bàn Huyện mới đạt hiệu quả bền vững

Đặng Huyên


Các bài đã đăng

Xem thêm

Hộp thư điện tử

Mail Box

Mail Box

Mail Box

Website đơn vị trực thuộc
Thư viện ảnh

Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBPL

Dịch vụ công mức độ 4

danh sách cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện

danh sách cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học

Danh sách cơ sở đủ điều kiện diệt côn trùng diệt khuẩn

công khai địa chỉ mail lãnh đạo sở

Cơ Sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính

sàn thương mại điện tử Hà Giang

Kho phác đồ điều trị

Poster chuyển đổi số 10-10