Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2025


Bệnh sốt rét và cách phòng tránh

Những năm gần đây, tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh sốt rét và tử vong do sốt rét đã giảm trên toàn quốc. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh sốt rét vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại do ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị. Vì vậy người dân cần trang bị kiến thức về bệnh sốt rét để biết cách phòng chống bệnh.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4) năm 2025 là: “Dồn tổng lực để loại trừ sốt rét: Tăng cường đầu tư; đổi mới, sáng tạo; quyết tâm hành động”.

Image Alt

Tẩm màn cho bà con phòng chống dịch bệnh sốt rét tại huyện Bắc Mê

Bệnh sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng sốt rét có tên Plasmodium gây nên. Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là do muỗi Anopheles. Bệnh thường biểu hiện bằng những cơn sốt rét điển hình với các triệu chứng: Rét run, sốt nóng, vã mồ hôi. Bệnh có nhiều ở các vùng núi, vùng ven biển nước lợ và dễ gây thành dịch. Ở Việt Nam, bệnh sốt rét xảy ra quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào mùa mưa, bệnh lưu hành chủ yếu ở vùng ven biển nước lợ, vùng rừng, đồi, núi.

Đường lây bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét lây truyền qua đường máu và có 4 phương thức lây truyền

- Do muỗi truyền: Đây là phương thức chủ yếu.

- Do truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét.

- Do mẹ truyền sang con qua nhau thai bị tổn thương (hiếm gặp).

- Do tiêm chích: Bơm tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét, do tiêm chích ma túy.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Thời gian từ khi người bị muỗi Anopheles mang mầm bệnh đốt đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng được gọi là thời gian ủ bệnh, có thể kéo dài 7-21 ngày, trung bình khoảng 9-14 ngày.

Khi mới mắc bệnh biểu hiện ban đầu có thể thấy như: Sốt nhẹ cảm giác ớn lạnh, Sốt nóng, vã mồ hôi, cơ thể đau, nhức mỏi, thường xuyên buồn nôn và có thể có nôn. Các triệu chứng tái phát sau mỗi 48-72 giờ, tùy theo cơ thể, sức đề kháng của từng người bệnh và độ nhiễm ký sinh trùng sốt rét.

Đặc điểm chung của người mắc bệnh sốt rét là niêm mạc mắt nhợt, da xanh, người gầy, thường xuyên bị thiếu máu người bệnh suy dinh dưỡng, làm cho lách to, phù nề. Trẻ em mắc sốt rét dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn. Phụ nữ đang mang thai mắc sốt rét có thể khiến thai chết lưu, sảy thai, sinh non. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành sốt rét ác tính và gây tử vong.

Sốt rét có hai thể lâm sàng là sốt rét thể thông thường và sốt rét ác tính

- Sốt rét thể thông thường: Là những triệu chứng thường gặp ban đầu khi mắc bệnh sốt rét và không đe dọa đến tính mạng người bệnh. Sốt điển hình với ba giai đoạn: Rét run - Sốt - Vã mồ hôi.

- Sốt rét ác tính: Là trường hợp người bệnh sốt rét trở nặng, có những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh, với các biểu hiện đặc biệt như: Sốt cao liên tục; rối loạn ý thức nhẹ (ngủ li bì, mê sảng, nói lẩm bẩm...); rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy, bau bụng cấp, buồn nôn, nôn mửa...

Các biến chứng nguy hiểm của sốt rét

Trong số các loài ký sinh trùng gây bệnh sốt rét thì đáng sợ nhất là plasmodium, dễ khiến người bệnh rơi vào sốt rét ác tính. Nếu không được điều trị đúng cách, sốt rét có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

Thiếu máu nghiêm trọng: Ký sinh trùng sốt rét phá hủy hồng cầu, gây ra thiếu máu nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ mang thai.

Sốt rét não: Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, có thể gây ra tổn thương não, hôn mê và tử vong. Sốt rét não là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của sốt rét

Suy nội tạng: Sốt rét có thể gây suy thận, suy gan hoặc vỡ lá lách khiến cơ thể rơi vào nguy kịch.

Phù phổi: Dịch có thể tích tụ trong phổi, gây ra khó thở và suy hô hấp.

Hạ đường huyết: Người bệnh đối diện hôn mê, thậm chí tử vong bởi tình trạng hạ đường huyết xảy ra. Người bệnh bị hạ đường huyết không chỉ do bệnh gây ra mà còn do tác dụng phụ của thuốc quinin điều trị sốt rét.

Tử vong: Nếu không được điều trị kịp thời, sốt rét có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là với loại Plasmodium falciparum.

Biện pháp phòng bệnh

Bệnh sốt rét có thể gây được miễn dịch nhưng không đặc hiệu và không tuyệt đối. Bất kể ai cũng có thể mắc sốt rét nếu sống hoặc đi qua nơi có sốt rét lưu hành và bị muỗi Anopheles đốt. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh sốt rét. Do vậy để phòng bệnh sốt rét, người dân cần cập nhật và thực hiện các biện pháp phòng tránh sốt rét tại nhà nhất là những người sống ở khu vực rừng núi, khu vực có độ ẩm cao, mưa nhiều.

Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, không để nhà cửa ẩm ướt, tối tăm nhằm ngăn chặn muỗi phát triển. Người dân cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, không để vũng nước đọng cho muỗi, bọ gậy phát triển.

Phun thuốc diệt muỗi, xịt côn trùng. Nếu có điều kiện nên lắp lưới chống muỗi quanh nhà.

Dùng màn khi đi ngủ, nếu ở khu vực có nhiều muỗi nên mặc quần áo dài để hạn chế muỗi đốt. Có thể sử dụng kem chống muỗi, thuốc đuổi muỗi…

Nếu đi vào vùng có dịch sốt rét cần thận trọng và lưu lại thông tin di chuyển. Uống thuốc dự phòng trước khi vào vùng dịch sốt rét lưu hành.

An toàn truyền máu, đặc biệt với người có tiền sử sốt rét hoặc sống trong vùng sốt rét lưu hành.

Khi bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu nghi ngờ sốt rét cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để làm xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Thu Ngân


Các bài đã đăng

Xem thêm

Hộp thư điện tử

Mail Box

Mail Box

Mail Box

Website đơn vị trực thuộc
Thư viện ảnh

Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBPL

Dịch vụ công mức độ 4

danh sách cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện

danh sách cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học

Danh sách cơ sở đủ điều kiện diệt côn trùng diệt khuẩn

công khai địa chỉ mail lãnh đạo sở

Cơ Sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính

sàn thương mại điện tử Hà Giang

Kho phác đồ điều trị

Poster chuyển đổi số 10-10