Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao
Chăm sóc người bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Hà Giang
Ngày Thế giới phòng chống lao 24.3 nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống lao Việt Nam. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của bệnh lao tới sức khỏe, kinh tế - xã hội. “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao” là chủ đề hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao Thế giới năm 2025 thể hiện sự cam kết mạnh mẽ với nhiều chính sách hành động cụ thể của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng chống lao. Năm 2024, Chương trình Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay với số bệnh nhân lao được phát hiện và thu nhận vào điều trị là hơn 113 nghìn ca bệnh (tăng 7% so với năm 2023), tỷ lệ lao có bằng chứng vi khuẩn là trên 70%, tỷ lệ điều trị thành công đạt trên 90% (cao hơn tỷ lệ này trên toàn cầu ở mức 88%).
Mặc dù vậy, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn ở mức cao, theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính Việt nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm. Năm 2023 Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân Lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu. Điều này cho thấy chúng ta cần phải tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các hoạt động phòng chống bệnh lao.
Tại Hà Giang, trong những năm qua công tác phòng chống lao được triển khai hiệu quả. Mạng lưới phòng chống lao được củng cố kiện toàn từ tuyến tỉnh, huyện, xã. Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người dân, Bệnh viện Phổi đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường tập huấn đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ; tổ chức hoạt động khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng; chú trọng hoạt động chỉ đạo tuyến, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh Lao. Đồng thời triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị như kỹ thuật chẩn đoán lao nhanh, nuôi cấy vi khuẩn, kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm, nội soi phế quản,... Đây là những kỹ thuật chuyên sâu giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả cho người bệnh Lao. Năm 2024 khám sàng lọc tại cộng đồng được 2.301 người, số người bệnh lao các thể điều trị: 710 người; tỷ lệ ca bệnh điều trị thành công 89,7%, tăng 2,6 % so với năm 2023. Tuy vậy thực tế hiện nay công tác phòng chống lao tại Hà Giang còn gặp không ít khó khăn như nhận thức và hiểu biết của người dân về bệnh lao còn hạn chế. Người mắc lao đa số là người nghèo, sống ở vùng sâu, vùng xa, vì vậy công tác quản lý, theo dõi người bệnh sau điều trị còn chưa thực sự hiệu quả. Số người mắc lao tiền ẩm trong cộng đồng còn ở mức cao. Để từng bước giảm số người mắc lao trong cộng đồng, tăng tỷ lệ người bệnh điều trị khỏi và hoàn thành điều trị, tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Bệnh viện Phổi đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống lao thời gian tới: Triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao; chủ động phát hiện người bệnh trong cộng đồng và quản lí điều trị tốt bệnh nhân lao sau khi phát hiện, nhất là giai đoạn duy trì để tăng tỷ lệ điều trị khỏi; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống lao tuyến huyện, xã, bảo đảm triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia phòng chống Lao.
Liên Hương
Phóng sự 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2025)
Ngành Y tế Hà Giang Hành trình 70 năm vẻ vang và tự hào - Ngày 27/2/2025
Phóng sự ngành Y tế Hà Giang 27-2-2024
Bệnh bạch hầu(MOB QA HLAV, THIAB FAV TIV THAIV MOB).
Những điều cần biết về bảo vệ bí mật nhà nước
Phương pháp da kề da và nuôi con bằng sữa mẹ