PGS Ts.Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội thảo
Dự Hội thảo, có PGS. Ts Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm; Lãnh đạo các phòng ban của Cục An toàn thực phẩm, Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn Quốc gia, Viện Dinh dưỡng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Đình Dích - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang và Lãnh đạo Chi cục An toàn thực phẩm của 31 tỉnh khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS Ts Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh công tác an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng hàng đầu hiên nay. Để thực hiện có hiệu quả công tác an toàn thực phẩm đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải thường xuyên cập nhật và nắm chắc nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới về an toàn thực phẩm để từ đó nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Đây cũng là dịp thuận lợi để các đồng chí làm công tác an toàn thực phẩm gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động. Đồng chí nhấn mạnh nhìn lại chặng đường 20 năm thành lập Cục An toàn thực phẩm và 10 năm thành lập các Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố thì công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điển hình như ngộ độc bánh trôi ngô xảy ra tại Hà Giang trong những năm qua, nhờ có sự can thiệp về chuyên môn, can thiệp vào quản lý tình trạng ngộ độc bánh trôi ngô tại Hà Giang cũng như tại một số tỉnh khác không còn xảy ra nữa.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục An toàn thực phẩm đánh giá hoạt động an toàn thực phẩm trong thời gian vừa qua và phổ biến các văn bản quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, giới thiệu Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm có hiệu lực thi hành ngày 16/10/2018, giới thiệu Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với Vitamin A bổ sung vào dầu thực vật,…
Hội thảo đã dành phần lớn thời gian cho thảo luận để các đại biểu trao đổi, giải đáp thắc mắc của các Chi cục về hoạt động triển khai công tác an toàn thực phẩm; Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác an toàn thực phẩm tại các địa phương, để từ đó thống nhất trong hệ thống chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ góp phần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác an toàn thực phẩm tại các địa phương ngày một tốt hơn./.
Thu Hòa