Sáng 28.11, tại Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam – Chi nhánh Hà Giang, thôn Phìn Hồ, xã Tân Thành (Bắc Quang), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực dược liệu trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số đơn
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang – Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Theo điều tra, tỉnh ta có trên 1.565 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ và 6 ngành, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Bát giác liên, Thạch hộc tía, Thông tre lá dài, Hà thủ hô đỏ…, 51 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam; 97 loài cây thuốc nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh ta có 9 nhóm đất canh tác rất thích hợp cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt là các cây dược liệu: Bạch chỉ, bạch truật, cát cánh, đương quy, đan sâm… Từ năm 2012 đến nay, tỉnh ta đã triển khai dự án phát triển cây dược liệu tại 6 huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ và có 27 doanh nghiệp, HTX quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng dược liệu của tỉnh…
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phát triển dược liệu của tỉnh – Kết luận Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh khẳng định: Trong những năm gần đây, tỉnh ta đã tập trung đặc biệt vào định hướng và phát triển dược liệu, áp dụng thực hiện nhiều chính sách của Trung ương và ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp hàng hóa, nhất là những ưu đãi dành cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, qua tổ chức thực hiện còn nhiều tồn tại và hạn chế: Cơ quan quản lý nhà nước về dược liệu trên địa bàn còn chưa rõ; tình trạng máy móc, thủ tục hành chính công phiền hà, hướng dẫn chưa cụ thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận các thủ tục đầu tư, các chính sách ưu đãi; nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực dược liệu của tỉnh còn hạn chế, công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa hướng tới và đáp ứng cho lĩnh vực này…Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào một số nội dung nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp, HTX trong thời gian tới: Làm thế nào để cơ quản quản lý nhà nước một cách toàn diện về phát triển dược liệu; tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và công nghệ, mẫu mã, bao bì, cung ứng giống, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến; các cơ chế, chính sách; sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp; quy hoạch phát triển nên thực hiện theo vùng, từng loại cây và từng doanh nghiệp..
Các đơn vị ký kết hợp tác phát triển dược liệu tại hội nghị trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Trung ương.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã khẳng định lãnh đạo tỉnh đã rất quan tâm, chỉ đạo sát sao trong hoạt động phát triển dược liệu của tỉnh, các Sở, ban, ngành cần tiếp tục vào cuộc để đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX thực hiện có hiệu quả; cần có đơn vị đầu mối để hướng dẫn doanh nghiệp, HTX đầu tư vào dược liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không phải đến nhiều nơi để làm thủ tục; tạo cơ chế, đất trồng, khảo sát chặt chẽ các nguồn dược liệu; tìm đầu ra cho sản phẩm…
Các đại biểu đã thăm, khảo sát thực tế vườn ươm, vườn cây mẫu của Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến khẳng định: Hà Giang luôn chào đón các tổ chức, cá nhân đầu tư các chương trình, dự án vào tỉnh, đặc biệt là trong phát triển dược liệu. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho các Sở: Đối với Sở Y tế: Hoàn thiện Website về dược liệu; rà soát các cơ sở khám chữa bệnh, căn cứ các quy định về chuyên môn đề xuất với tỉnh về đấu thầu dược liệu cũng như đưa các sản phẩm dược liệu vào cơ sở y tế khám chữa bệnh theo BHYT; thiết lập đường dây nóng để tổng hợp các ý kiến, vướng mắc của doanh nghiệp, có thể giải quyết trực tiếp hoặc báo cáo UBND tỉnh giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp; phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, bổ sung thêm một số chính sách, cơ chế đặc thù về phát triển dược liệu cho phù hợp với điều kiện của tỉnh, đặc biệt chú ý 6 khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn trình tự, thủ tục, chi tiết các dự án nông-lâm-ngư nghiệp, trong đó chú trọng cụ thể các dự án về dược liệu; cải cách hành chính rõ ràng gắn với chủ trương tiền kiểm và hậu kiểm một số thủ tục hành chính; hướng dẫn ban hành chính sách theo các Nghị định của Chính phủ, của tỉnh …Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Công thương: Rà soát, tổng hợp những tổ chức, cá nhân không tham gia đầu tư dược liệu nhưng hiện nay đang khai thác, buôn bán vận chuyển dược liệu rừng để có biện pháp nghiêm cấm. Sở Lao động TB &XH nắm bắt nhu cầu đối tượng, đào tạo quản trị cho các doanh nghiệp, HTX có nhu cầu. Các Sở, ngành liên quan cần phối hợp xây dựng kế hoạch nội dung của ngành tham gia vào phát triển dược liệu… Lãnh đạo các địa phương, cần nâng cao vai trò trách nhiệm, đồng hành cùng tỉnh, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển dược liệu; các đơn vị Trung ương tiếp tục quan tâm giúp đỡ cho Hà Giang phát triển dược liệu…
Kết thúc hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Trung ương đã chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ giữa các Doanh nghiệp, HTX, Trung tâm Khoa học Kỹ thuật sản xuất giống dược liệu với các đơn vị trồng dược liệu.
Trước đó, các đại biểu đã thăm, khảo sát thực tế vườn ươm, vườn cây mẫu và nơi chế biến của Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam tại thôn Phìn Hồ, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang.
Lan Anh Trung tâm TT-GDSK