Cùng với cả nước Hà Giang đã thanh toán bại liệt từ năm 2000. Đây là thành tựu to lớn mà Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã đem lại, góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bại liệt nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao. Nhằm bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt cho trẻ, từ tháng 9/2018 ngành Y tế Hà Giang sẽ triển khai thêm mũi vắc xin bại liệt tiêm cho trẻ đủ 5 tháng tuổi vào Chương trình TCMR trên phạm vi toàn tỉnh
Việc đưa thêm vắc xin bại liệt tiêm (IPV) cho trẻ vào Chương trình TCMR sẽ góp phần bảo vệ bền vững hơn thành quả thanh toán bệnh bại liệt
Trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. Bệnh do vi rút bại liệt (Polio) gây ra; bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa do nhiễm vi rút bại liệt chủ yếu có trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang vi rút bại liệt. Bệnh có thể tiến triển nặng, đau cơ dữ dội, cổ cứng, cứng lưng, liệt mềm có thể xảy ra và dẫn tới tử vong; di chứng liệt thường không hồi phục và gây tàn tật suốt đời. Bên cạnh đó, vi rút bại liệt dễ dàng lan truyền gây thành dịch lớn trong điều kiện trẻ không sử dụng vắc xin phòng bệnh, vệ sinh môi trường kém.
Vắc xin bại liệt tiêm (IPV) sẽ được đưa vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ đủ 5 tháng tuổi trên địa bàn toàn tỉnh
Tại Việt Nam trước khi có vắc xin phòng bệnh, bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề cho trẻ dưới 5 tuổi. Theo số liệu thống kê năm 1959 thì tỷ lệ mắc bại liệt lên đến 126,4/100.000 dân. Đến năm 1985, Chương trình TCMR được triển khai trên toàn quốc, nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt. Nhờ tích cực triển khai có hiệu quả Chương trình TCMR đến năm 2000, Việt Nam chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận thanh toán bại liệt trên toàn quốc. Tiếp tục duy trì bền vững thành quả đã đạt được năm 2014 đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức chiến dịch uống vắc xin bại liệt bổ sung cho trẻ dưới 5 tuổi tại các tỉnh có nguy cơ cao để đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin bại liệt trên 95%. Theo ước tính của WHO việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng các di chứng do bệnh bại liệt gây ra.
Tại Hà Giang, trong những năm qua dù còn gặp nhiều khó khăn về trình độ dân trí không đồng đều, dân cư sống thưa thớt, ngôn ngữ bất đồng, giao thông đi lại khó khăn nhất là những nơi vùng sâu vùng xa của tỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc tuyên truyền, vận động người dân trong phòng, chống các dịch bệnh nói chung và bệnh bại liệt nói riêng. Song, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng mà công tác phòng chống dịch, bệnh luôn đạt được kết quả đáng ghi nhận, trong đó công tác tiêm chủng luôn duy trì đạt tỷ lệ cao trên 90%; các chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin được tổ chức hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh nói chung giảm, loại trừ uốn ván sơ sinh và duy trì được thành quả thanh toán bại liệt cho đến nay.
Thạc sỹ Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Nhằm duy trì thành quả thanh toán bại liệt, trong thời gian tới sẽ tiếp tục cho trẻ dưới 1 tuổi uống đủ 3 liều vắc xin phòng bệnh bại liệt trong tiêm chủng thường xuyên trên quy mô toàn tỉnh; đồng thời triển khai đưa vắc xin bại liệt tiêm vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ đủ 5 tháng tuổi bắt đầu từ tháng 9/2018. Bên cạnh đó, duy trì hệ thống giám sát thể liệt mềm cấp/bại liệt trong toàn tỉnh cũng như tổ chức có hiệu quả chiến dịch uống vắc xin bại liệt bổ sung (OPV) cho trẻ dưới 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao.
Có thể thấy, ngoài việc vẫn duy trì tỷ lệ uống 3 liều vắc xin bại liệt (OPV) cho trẻ dưới 1 tuổi, việc bổ sung thêm lịch tiêm một liều vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV) trong Chương trình TCMR cho trẻ đủ 5 tháng tuổi sẽ giúp củng cố miễn dịch bền vững hơn trong bối cảnh vi rút bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Qua đó, cùng cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng sẽ chủ động ứng phó với mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi như hiện nay cũng như góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thùy Dung - Trung tâm KSBT