Nấm là món ăn quen thuộc từ lâu của người dân. Có rất nhiều món ăn được chế biến từ nấm, rất ngon và hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng chính từ nấm mà đã khiến không ít gia đình bị ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng vì ăn phải nấm độc. Vấn đề này mặc dù được đề cập rất nhiều và được các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ y tế tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, song dường như năm nào cũng vẫn có những trường hợp ngộ độc xảy ra do ăn phải nấm độc.
Tuyên truyền về phòng chống ngộ độc nấm cho người dân tại xã Đản Ván
Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm với 18 người tử vong, trong đó có 5 vụ (chiếm 29%) là do ngộ độc nấm độc gây ra. Đã có những vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc rất thương tâm xảy ra trong cùng một gia đình và để lại những hậu quả nặng nề, trong đó phải kể đến vụ ngộ độc tại thôn Bản Pắng, xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì năm 2020 khiến cho tất cả 4 thành viên trong gia đình đều tử vong. Gần đây nhất là tháng 6.2021, tại thôn Pố Lồ, xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì) cũng đã xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm do gia đình tự hái nấm về ăn, rất may cả 5 người trong gia đình được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Qua quá trình điều tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho thấy, các vụ ngộ độc nấm xảy ra rải rác ở các huyện nhưng chủ yếu tập trung nhiều ở một số huyện: Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và Bắc Mê. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân, không ít người còn chủ quan vẫn hái nấm ở rừng mà không biết rõ nguồn gốc về ăn, thậm chí có những gia đình hái nấm mọc ngay gần nhà mà vẫn bị ngộ độc.
Theo nhận định của các chuyên gia, so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao. Việc phân biệt giữa nấm độc và không độc rất khó, thậm chí là không thể phân biệt được, nhất là các loại nấm mọc hoang ở vườn, ruộng hay nấm hái trong rừng. Diễn biến ngộ độc nấm không thể lường trước được và là nguyên nhân tử vong của hầu hết các trường hợp do ngộ độc nấm gây ra.
Là một trong những cán bộ đã có bề dày trong công tác truyền thông và đã trực tiếp xuống các thôn bản để tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân trong phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là ngộ độc do nấm và các loại quả rừng, bác sĩ Tôn Trọng Tuyên, Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Hoàng Su Phì vẫn luôn trăn trở và nuối tiếc mỗi khi có những trường hợp ngộ độc nấm xảy ra trên địa bàn. Anh Tuyên cho biết: Không chỉ có cán bộ y tế mà lãnh đạo huyện cũng như các ban, ngành đoàn thể đều xác định công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân là hết sức quan trọng, đặc biệt là vấn đề ngộ độc thực phẩm, nhất là trên địa bàn huyện đã từng xảy ra trường hợp tử vong do ngộ độc nấm. Đã có rất nhiều buổi tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân về cách nhận biết nấm độc, loại nấm nào thì nên ăn và loại nấm nào thì tuyệt đối không được ăn. Ấy vậy mà hầu như năm nào trên địa bàn huyện cũng vẫn có những vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc. Mất mát đó không chỉ riêng đối với gia đình người bị ngộ độc mà còn là sự nuối tiếc, xót xa của những người ở lại bởi giá như họ không ăn nấm không rõ nguồn gốc, kiên quyết không ăn nấm lạ thì những vụ việc đau lòng sẽ chẳng xảy ra...
Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây vấn đề phòng, chống ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc do nấm độc nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành, các địa phương chú trọng và vào cuộc quyết liệt. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhằm đạt hiệu quả cao nhất như: Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện thành phố tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo Ban Chỉ đạo CSSKND xã xây dựng kế hoạch phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường công tác lấy mẫu giám sát mối nguy trong các đợt thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Cùng với đó, Chi cục đã triển khai nhiều hoạt động trong đó chú trọng tới công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng nói chung và ngộ độc do nấm độc nói riêng như: Triển khai tuyên truyền về công tác bảo đảm ATTP vào các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP; Tết Trung thu và các dịp Lễ hội bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú đa dạng trên Báo Hà Giang, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh; loa phát thanh xã, phường; băng zôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trên mạng xã hội như Zalo, Facebook...
Trao đổi về vấn đề làm thế nào để hạn chế mức thấp nhất tình trạng ngộ độc do nấm độc xảy ra trên địa bàn tỉnh, Bs Ngọc Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Để công tác an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao cần sự vào cuộc quyết liệt, chủ động và hiệu quả hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia của thành viên Ban chỉ đạo CSSKND trên địa bàn trong công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm; các địa phương cần có giải pháp tập huấn, hướng dẫn cho người dân cách trồng các loại nấm ăn được tại nhà nhằm thay đổi dần thói quen hái nấm, hoa, quả trong rừng không rõ nguồn gốc về ăn dễ dẫn đến ngộ độc và tử vong. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức như: Truyền thông trên mạng xã hội như Zalo, facebook, phát loa truyền thanh thường xuyên tại xã, phường, thị trấn nhằm từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Thiết nghĩ để công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm đạt hiệu quả cao cũng như hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và tử vong do nấm độc xảy ra trong thời gian tới ngoài sự quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thì rất cần sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Hơn ai hết mỗi người dân đặc biệt ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không hái nấm hoang dại, rau, quả rừng mà không biết rõ nguồn đốc để ăn vì sức khỏe của chính bản thân và gia đình để có một cuộc sống an toàn, khỏe mạnh.
Ngọc Ánh