Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển làm gia tăng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Cần lựa chọn các mặt hàng rau, củ quả đảm bảo chất lượng để phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm qua 2 đường
Thứ nhất, đối với vi khuẩn gây bệnh có trong môi trường như không khí, khói, bụi, đất, nước thải…xâm nhập vào thực phẩm bất cứ giai đoạn nào trong chuỗi cung cấp thực phẩm trong quá trình nuôi, trồng, thu hoạch, giết mổ, chế biến, vận chuyển và lưu thông.
Thứ hai, đối với vi khuẩn gây bệnh có trong thực phẩm sống sẽ nhiễm chéo vào thực phẩm chín, thực phẩm ăn liền mà khi ăn không qua xử lý nhiệt, trong khi chế biến thực phẩm qua bàn tay; bề mặt dao, thớt, khăn lau; ruồi nhặng,... có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn, phòng tránh ngộ độc thực phẩm ta cần
Cần lựa chọn các mặt hàng rau, củ quả đảm bảo chất lượng để phòng tránh ngộ độc thực phẩm
- Mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng uy tín, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; Bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; Sử dụng nguồn nước sạch; Thực hiện “ăn chín, uống sôi”.
- Không nên chuẩn bị nhiều thức ăn mà không sử dụng hết vì khi kéo dài thời gian để thực phẩm trong môi trường nắng nóng thì nguy cơ thực phẩm bị ôi thiu, gây ngộ độc là rất cao; Tốt nhất thức ăn phải được ăn ngay sau khi nấu, thức ăn quá 2 giờ sau khi nấu để ở nhiệt độ phòng phải được nấu lại trước khi ăn. Khi ăn nếu thấy thức ăn có mùi bất thường hoặc ôi, thiu, tốt nhất không nên dùng.
- Các loại thịt, cá tươi sống sau khi mua về cần sơ chế qua bằng cách rửa sạch, để ráo nước rồi mới bảo quản trong tủ lạnh. Nếu sử dụng thực phẩm trong ngày thì để ngăn mát, nếu để sang ngày hôm sau thì để ngăn đá.
- Với rau xanh, cần nhặt bỏ gốc và lá sâu rồi cho vào túi đựng thực phẩm, buộc kín để vào ngăn mát. Nếu chưa ăn ngay thì không nên rửa vì dễ làm rau nhanh nhũn hỏng. Các loại rau cải, rau lá xanh không nên để quá một tuần, thời hạn dùng tốt nhất là trong vòng 3 ngày kể từ lúc mua.
- Không để lại thực phẩm đã rã đông vào ngăn đông lạnh. Để tránh rã đông nhiều lần khiến thực phẩm đông lạnh bị nhiễm khuẩn, nên chia thịt, cá thành từng phần nhỏ phù hợp với bữa ăn rồi để vào túi/hộp kín.
- Sử dụng dao thớt riêng trong chế biến thực phẩm sống và chín.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi đụng tay vào thực phẩm.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực và dụng cụ chế biến thực phẩm không để ruồi nhặng, côn trùng, vật nuôi tiếp xúc vào thực phẩm.
Ngoài ra, với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn.
Thùy Dung