Viêm gan do virus là tình trạng lá gan bị virus xâm nhập và tấn công khiến cho các tế bào gan bị viêm và tổn thương. Viêm gan virus có thể phá vỡ quá trình thải độc, lưu trữ vitamin và sản xuất hormone của gan. Biến chứng của viêm gan là suy gan, xơ gan, ung thư gan…
Viêm gan do nhiều loại virus gây nên
Hầu như người mắc bệnh chỉ phát hiện ra khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng vì trong giai đoạn đầu viêm gan không có triệu trứng rõ ràng. Viêm gan virut gây ra bởi các chủng virut viêm gan bao gồm A, B, C, D, E, G trong đó phổ biến nhất vẫn là viêm gan virut B và C. Viêm gan virut là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu với 6-10 triệu người mắc và 1,4 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. Trong đó, 47% là viêm gan virut B và 48% là viêm gan virut C, còn lại là viêm gan A, viêm gan E. Mỗi loại có tính chất và khả năng gây bệnh khác nhau nên triệu chứng và phương pháp điều trị cũng khá đa dạng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm gan virus chủ yếu là do tiếp xúc với máu của bệnh nhân ở vết thương hở, truyền máu có virus viêm gan. Do mẹ truyền cho con, do quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh. Do sử dụng chung kim tiêm, xăm trổ, bấm xỏ khuyên tai, dụng cụ chăm sóc móng tay móng chân. Và do ăn phải thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm.
Thời kỳ ủ bệnh: Chưa có triệu chứng lâm sàng. Thời gian ủ bệnh tuỳ thuộc vào mỗi loại virus viêm gan, khoảng từ 15 - 180 ngày.
Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau tức vùng hạ sườn phải, mệt mỏi không muốn đi lại, nước tiểu màu vàng thẫm.
Thời kỳ toàn phát: Vàng da, ngứa da, gan to, lách to, chán ăn, mệt mỏi, đau đớn, rối loạn tiêu hoá, phân bạc màu, nước tiểu ít và sẫm như nước vối đặc. Xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng, Transaminase tăng cao, Bilirubin máu toàn phần tăng…
Thời kỳ hồi phục: Các triệu trứng giảm dần, bắt đầu là hiện tượng đa niệu (lượng nước tiểu tăng lên nhiều, bệnh nhân đi tiểu nhiều lần hơn), nước tiểu trong dần lên. Gan lách thu dần về bình thường, các cơn đau giảm đi nên bệnh nhân ăn ngủ tốt hơn. Hết đau khớp. Các chỉ số xét nghiệm dần trở về bình thường.
Để phòng chống bệnh viêm gan virut mỗi người cần có lối sống lành mạnh, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…; thực hiện tiêm phòng viêm gan B cho trẻ đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng; Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần hoặc 1 lần/ năm; Khi có các bất thường về sức khỏe người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, tránh tự ý điều trị tại nhà sẽ gây khó khăn đến quá trình chữa bệnh sau này.
Mỗi người hãy chủ động thực hiện các xét nghiệm kiểm tra viêm gan virut để được tầm soát và điều trị càng sớm càng tốt.
Thu Ngân