Thăm khám và tư vấn sức khỏe cho bà mẹ mang thai
Cách đây trên 30 năm, vào lúc 6 giờ 35 phút ngày 11.7.1987 (giờ Anh), cậu bé người Nam Tư Matej Gašpar là công dân thứ 5 tỷ của thế giới ra đời tại thành phố Zagreb (nay là thủ đô của Croatia), đánh dấu một mốc đáng chú ý trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, chết chóc để sinh tồn và phát triển của loại người. Đồng thời cũng là dấu mốc ghi nhận tốc độ gia tăng dân số quá nhanh và phát triển quy mô quá lớn của dân số thế giới. Để cảnh báo và thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, những người hoạch định chính sách của các nước, của cộng đồng quốc tế và toàn nhân loại về sự gia tăng quá mức của dân số và những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến phát triển kinh tế - xã hội. Trước hiểm họa của bùng nổ dân số, vào tháng 11 năm 1989, tại diễn đàn Dân số thế giới Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) với tầm nhìn chiến lược về dân số đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về dân số ở thủ đô Hà Lan đã quyết định lấy ngày sinh của bé Matej Gašpar là ngày 11.7 làm "Ngày Dân số thế giới" để nhắc nhở các quốc gia và mỗi người sống trên trái đất về nguy cơ dân số tǎng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khoẻ… Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia, mỗi người tự liên hệ với dân số của địa phương mình để có suy nghĩ và hành động đúng trong hành vi dân số mà tìm mọi biện pháp tích cực, góp phần giảm sự gia tăng dân số, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.
Ngày Dân số thế giới 11.7.2020 năm nay với chủ đề “Đẩy lùi COVID -19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em giá trong bối cảnh hiện tại”. Năm 2020, dịch COVID - 19 đã bùng phát tại 215 quốc gia, đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, cộng đồng và các quốc gia trên thế giới, hậu quả mỗi người phải hứng chịu một lĩnh vực khác nhau. Trong đó, phụ nữ là đối tượng chiếm phần lớn trong số nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm trước vi rút COVID - 19 cao hơn. Lệnh cách ly xã hội được áp dụng trên toàn quốc cùng với đó là hệ thống y tế quá tải khiến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục không được quan tâm làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình.
Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhấn mạnh: nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Như vậy thì hệ quả sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến sẽ có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020-2030 mà đáng ra có thể ngăn chặn được… Ngoài ra, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tỷ lệ nữ giới phải làm việc trong thị trường lao động thiếu an toàn cao hơn, gần 60% phụ nữ trên thế giới làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói cao hơn. Lệnh đóng cửa trường học cùng với nhu cầu gia tăng của người cao tuổi đã khiến cho khối lượng công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ cũng tăng theo. Đại dịch tác động nghiêm trong tới cộng đồng, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới và cản trở những nỗ lực nhằm giúp không ai bị bỏ lại phía sau chúng ta. Những hành động ứng phó của chúng ta trước đại dịch COVID -19 tại mỗi quốc gia đóng vai trò quan trọng và quyết định tới tốc độ phục hồi, duy trì, ổn định giống nòi, đồng thời phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Thời gian qua, công tác dân số trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước những khó khăn, thách thức của công tác dân số trong tình hình mới, cả hệ thống chính trị sẽ phải cùng nhau chung tay để thực hiện thành công Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra cho mục tiêu “Dân số và Phát triển”.
Kỷ niệm ngày Dân số thế giới 11.7 năm nay cũng là dịp nhắc nhở các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân xem xét lại việc thực hiện chương trình dân số ở địa phương, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục các tồn tại, tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo và điều hành trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI đã nêu.
Tỉnh ta, trong thời gian tới để hướng ứng ngày Dân số thế giới tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động về dân số và phát triển, đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình một cách đầy đủ, an toàn. Đặc biệt chú trọng đến phụ nữ, trẻ em gái trong điều kiện dịch COVID -19 đang diễn ra như hiện nay; tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên; tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nêu cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội; tăng cường giáo dục về kỹ năng sống hiệu quả, giáo dục giới tính toàn diện chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ và tinh thần./.
Thu Hòa (soạn)