Ý nghĩa ba văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc



Tăng cường kiểm dịch y tế phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy

Tăng cường kiểm dịch y tế phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy

       Ba văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm: Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 14/7/2010, tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang, Việt Nam) - Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc), hai bên đã tổ chức lễ công bố 3 văn kiện Biên giới trên đất liền chính thức có hiệu lực, đưa Hiệp định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc 1999 và đường biên giới mới đi vào cuộc sống.

        Đường biên giới của Hà Giang với nước bạn Trung Quốc có chiều dài 277,525 km với 442 cột mốc, trong đó có 358 mốc chính và 84 mốc phụ. Khu vực biên giới của tỉnh Hà Giang có diện tích đất tự nhiên trên 1.165 km2 gồm 32 xã và 2 thị trấn thuộc 7 huyện biên giới. Sau khi 3 văn kiện pháp lý chính thức có hiệu lực, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý biên giới trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên mốc giới của tỉnh; tăng cường công tác nắm bắt tình hình, chủ động đấu tranh ngăn ngừa các hành vi vi phạm trên biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền 3 văn kiện pháp lý, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phân giới, cắm mốc, qua đó người dân nghiêm túc thực hiện và phối hợp với bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên, mốc giới.

       Đối với ngành y tế Hà Giang, trong những năm qua đã có nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế và đạt được những kết quả quan trọng. Xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị, giữa huyện Malypho tỉnh Vân Nam Trung Quốc trên lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, sốt rét, sốt xuất huyết và hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác. Đặc biệt, trước bối cảnh đại dịch toàn cầu COVID-19 diễn biến phức tạp, các bên đã phát huy tinh thần hợp tác hữu nghị, tương trợ, chia sẻ khó khăn, kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 qua biên giới. Tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân và hành khách xuất nhập cảnh chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam qua đường nhập cảnh. Để thực hiện tốt công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế Hà Giang đã phối hợp với Cục Y tế - Sức khỏe huyện Malypho tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tổ chức các cuộc Hội đàm trao đổi thông tin trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, thiết lập cơ chế phòng chống dịch bệnh giữa hai bên.

       Có thể nói, kể từ khi 3 văn kiện pháp lý chính thức có hiệu lực, được hai bên cùng nghiêm túc triển khai thực hiện, công tác hợp tác quản lý biên giới theo 3 văn kiện pháp lý đã góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm trật tự trị an khu vực biên giới để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để duy trì thúc đẩy tăng cường quan hệ ngoại giao, giao lưu hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực đem lại hiệu quả thiết thực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị cho nhân dân hai bên biên giới.

Hoàng Lan