Hưởng ứng ngày Thế giới Phòng chống Viêm gan 28/7/2018
Khám cho người bệnh sau mổ ung thư gan nguyên phát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Gan được ví như “quả tim thứ hai” của cơ thể - đóng vai trò sống còn trong việc điều hòa các diễn tiến của sự sống, nhưng gan lại rất dễ bị tổn thương. Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số ba quốc gia ở Khu vực Tây Thái Bình Dương có số người nhiễm virut viêm gan B và C mạn tính cao nhất. Ước tính có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B mạn tính và 1 triệu người bị viêm gan C, cao gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV ở Việt Nam. Mặc dù, tỷ lệ hiện mắc viêm gan B và viêm gan C có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây do hiệu quả của công tác dự phòng tuy nhiên số người mắc xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan B và viêm gan C vẫn tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới làm tăng gánh nặng chăm sóc y tế, chi phí khám, chữa bệnh.
Viêm gan virut gây ra bởi các chủng Virut viêm gan bao gồm A, B, C, D, E, trong đó phổ biến nhất vẫn là viêm gan virut B và C. Viêm gan virut là nguyên nhân thứ 7 gây tử vong trên toàn cầu với 6 -10 triệu người mắc và 1,4 triệu trường hợp tử vong mỗi năm. Trong đó, 47% là viêm gan virut B và 48% là viêm gan virut C, còn lại là viêm gan A, viêm gan E. Tại tỉnh ta, theo thống kê tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có gần 350 lượt người bệnh đến khám và điều trị viêm gan virut B và C. Trong đó, có nhiều trường người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, có biến chứng, xơ gan, ung thư gan. Theo bác sỹ Mai Đức An, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: “Hiện nay, đối với viêm gan virut B đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, đối với viêm gan virut C hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, nhưng với sự ra đời của thuốc kháng virut trực tiếp nên trên 90% người mắc viêm gan virut C được điều trị khỏi trong vòng 3 - 6 tháng trong trường hợp người bệnh được phát hiện sớm. Việc điều trị ở giai đoạn này thường khó khăn và tốn kém, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế của người bệnh”.
Theo các bác sỹ, để phòng chống bệnh viêm gan virut mỗi người cần có lối sống lành mạnh, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…; thực hiện tiêm phòng viêm gan B cho trẻ đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng; Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 lần/năm; Khi có các bất thường về sức khỏe người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, tránh tự ý điều trị tại nhà sẽ gây khó khăn đến quá trình chữa bệnh sau này.
Mỗi người hãy chủ động thực hiện các xét nghiệm kiểm tra viêm gan virut để được tầm kiểm soát và điều trị càng sớm càng tốt.
Thùy Dung - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật