Tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các xã nguy cơ và các xã nông thôn mới



Bs. Ngọc Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP  tuyên truyền tại xã Sơn Vĩ huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

Bs. Ngọc Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tuyên truyền tại xã Sơn Vĩ huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

       Từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra 06 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 38 người mắc, 09 người tử vong. Các vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra liên quan đến độc tố tự nhiên như nấm độc, rau, quả rừng... So với cùng kỳ năm 2019, tình hình ngộ độc có sự gia tăng cả về số vụ, số người mắc, đặc biệt là số người tử vong. Trước tình hình đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo CSSKND tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa về cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

       Trong tháng 8, 9 năm 2020, Chi cục ATVSTP đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện tổ chức 05 đợt truyền thông trực tiếp tại 26 xã đã xảy ra ngộ độc thực phẩm và xã thực hiện Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh với khoảng 1.000 người tham gia. Đối tượng truyền thông là thành viên Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân, Trưởng thôn, người có uy tín, Y tế thôn bản, Y tế trường học và các hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống tại địa bàn các xã.

       Tại buổi truyền thông, các đại biểu và bà con được truyền tải bằng hình ảnh trực quan, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống hàng ngày và lồng ghép phát tờ rơi “Cách nhận biết và phòng tránh ngộ độc do độc tố tự nhiên”, “Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng ngừa ngộ độc rượu”; đã giúp họ được tiếp cận, nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về các mối nguy cơ ngộ độc đặc biệt là một số loại nấm, rau, củ, quả rừng,… Từ đó nhận biết được các dấu hiệu, cách xử trí ban đầu khi bị ngộ độc và dần có thói quen thực hành tốt về vệ sinh, an toàn thực phẩm, biết cách lựa chọn một số thực phẩm thông thường… Qua các buổi tuyên truyền  kết quả cho thấy chính quyền địa phương,  các đối tượng già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và bà con tham dự đều nhiệt tình hưởng ứng, đánh giá cao về cách thức, nội dung tuyên truyền rất dễ hiểu, gần gũi, phù hợp với nhận thức của người dân.

      Như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ đạo CSSKND xã, đặc biệt là Trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng… sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tại nơi cư trú, góp phần nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến căn bản trong mỗi cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư và toàn xã hội. Cùng với đó có thể thấy Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang luôn chú trọng tới công tác truyền thông phòng tránh ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, bên cạnh công tác truyền thông cũng cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành liên quan và sự chung tay của cả cộng đồng./. 

Bích Hạnh