Trị da nứt nẻ mùa hanh khô



Tình trạng khô nứt nẻ dễ dẫn đến lão hóa da (St)

Tình trạng khô nứt nẻ dễ dẫn đến lão hóa da (St)

       Vào mùa đông, thời tiết lạnh, hanh khô, nhiệt độ, độ ẩm xuống thấp khiến làn da dễ bị mất nước, dẫn tới da khô, ngứa và nứt nẻ, nếu không điều trị ngay sẽ khiến chỗ da khô bị rách, chảy máu. Nhiều người da khô nhưng chăm sóc da không đúng cách khiến bệnh càng nặng hơn, da nổi mụn đỏ mẩn ngứa, nếu gãi có thể xây sát, nhiễm trùng. Mặt khác, một số người có thói quen chăm sóc da không đúng cách như tắm nước quá nóng, tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa mà không đeo găng tay khiến da nứt nẻ càng trầm trọng hơn.

       Mỗi vùng da trên cơ thể đều có cách chăm sóc khác nhau. Nếu bàn chân bị nứt gót thì nên ngâm chân bằng nước ấm pha muối loãng, sau đó bôi kem dưỡng ẩm mỗi ngày. Với người hay bị nẻ môi thì nên sử dụng sản phẩm dưỡng môi tự nhiên hoặc bôi một lớp son chống nẻ. Tuy nhiên, tuyệt đối không được liếm môi vì nước bọt càng làm môi nẻ nhiều hơn.

       Đối với da mặt, nên hạn chế lột da mặt, thay vào đó rửa mặt thật sạch, chăm đắp các loại mặt nạ như: Đu đủ, dưa chuột, cà chua, cà rốt... sẽ rất tốt cho da. Đồng thời, massage da mặt thường xuyên để giúp máu lưu thông và sử dụng các sản phẩm có độ ẩm cao. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý không nên tắm nước quá nóng vì da càng mất nước, chỉ nên pha nước tắm bằng với nhiệt độ của cơ thể. Khi đi ra ngoài đường, cần đeo khẩu trang, găng tay, tất, nhất là khi có nắng hanh để tránh làm da bị mất nước. Không tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, xà phòng. Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả và tập thể dục đều đặn. Lựa chọn thật kỹ kem dưỡng da khi bôi lên mặt. Khi dùng thử một loại sản phẩm dưỡng da nào đó, đặc biệt là bôi lên mặt cần xem rõ xuất xứ, hạn sử dụng và bôi thử lên cổ tay trước nếu thấy không bị dị ứng mới bôi lên da mặt. Nếu da vẫn bị khô, bong tróc từng mảng thì người bệnh nên đi khám tại các chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời.

       Để tránh bị nẻ cần chú ý đến:

       - Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống cân bằng giúp có làn da đẹp. Với một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung cho cơ thể đầy đủ nước (khoảng 1,5-2,5 lít nước tùy theo cân nặng), các khoáng chất, vitamin và chất béo không bão hòa. Bổ sung thực phẩm chứa omega-3 (như cá hồi, cá bơn, cá mòi, ngũ cốc nhiều dầu…), a xít béo thiết yếu có thể giúp da khỏe mạnh. 

       - Mức độ căng thẳng: Ngoài giờ làm việc, cần có thời gian thư giãn để tái tạo tế bào, cần ngủ đủ giấc, tập thể dục và tăng chất lượng cuộc sống, vui vẻ yêu đời và không thức quá khuya. Sự căng thẳng làm rối loạn tiết dầu ở da. Ngủ không đủ giấc khiến da mờ xỉn, mất vẻ tươi sáng. 

        - Biến động nội tiết tố: Thường từ khoảng 35 tuổi da trở thành khô hơn. Biến động da này thường là do nội tiết tố. Với da khô, có nguy cơ cao xuất hiện nếp nhăn, bong tróc và các vết đổi màu trên da. Tiền mãn kinh và mãn kinh là thời điểm ở nữ bị khô da nhiều hơn do biến động nội tiết tố. Nếu tình trạng khô da quá nặng, nên tư vấn bác sĩ để được điều trị kịp thời.

       Thường xuyên dưỡng ẩm cho da, thời gian tốt nhất để dưỡng ẩm là: Ngay sau khi làm sạch da, trong khi làn da vẫn còn ẩm. Điều này sẽ giúp giữ nước và dưỡng chất trong da khi lỗ chân lông khép lại. 

       Trước khi đi ngủ, lúc này da thoáng sạch, không trang điểm, không bị tác động của bụi bẩn trong môi trường bên ngoài, dưỡng chất có nhiều thời gian để hấp thụ sâu vào da của.

       Lưu ý: Nên giữ ấm cho da trong thời tiết giá rét, mặc quần áo ấm và bằng sợi bông tự nhiên (cotton). Len, sợi tổng hợp, hoặc các loại vải khác có thể gây ngứa và khó chịu cho da khô. Không nên dùng lò sưởi nhiệt điện suốt đêm ngày vì nó làm bốc hết hơi nước trong không khí, tốt hơn nên dùng sưởi bằng hệ thống nước nóng. Nên dùng máy tạo độ ẩm trong văn phòng và phòng ngủ của để giữ cho da khỏi bị khô. Nếu không có máy tạo độ ẩm có thể đặt một bát nước gần nguồn nhiệt để giữ cho độ ẩm trong không khí.

Thu Ngân (Soạn)