TĂNG HUYẾT ÁP VÀ NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM



Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong sớm ở bệnh nhân tim mạch. Việc không điều trị hoặc điều trị nhưng không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn đến biến chứng tăng huyết áp lên trên tim, não, thận và một số cơ quan khác

Cần theo dõi huyết áp thường xuyên nếu bị tăng huyết áp

Cần theo dõi huyết áp thường xuyên nếu bị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng, đa phần tình cờ phát hiện qua một lần khám bệnh hoặc chỉ khi bệnh nhân có biến chứng mới được phát hiện. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, tỉ lệ người mắc tăng huyết áp trung bình gần 20%. Thống kê tại Mỹ được công bố bởi CDC cho thấy nước Mỹ có khoảng ¼ dân số bị tăng huyết áp và tỷ lệ tăng huyết áp tăng dần theo tuổi.Tại nước ta, khi kinh tế phát triển thì tần suất mắc tăng huyết áp ngày càng gia tăng, ước tính đến năm 2025 sẽ có gần 10 triệu người bị tăng huyết áp, trong gần 60 % người bị tăng huyết áp chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị và cứ 5 người tăng huyết áp được điều trị, chỉ có 1 người đạt được kiểm soát huyết áp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, theo đó chia thành hai loại, đó là: Tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Trong đó, khoảng 90 - 95% là tăng huyết áp nguyên phát mà các nguyên nhân không xác định được. Còn lại là tăng huyết áp thứ phát khi có những nguyên nhân rõ ràng, có thể từ tim mạch, hoặc nguyên nhân do các bệnh khác liên quan đến tim mạch, thận.

Người bệnh mắc tăng huyết áp thường không có biểu hiện hoặc các biểu hiện rất mơ hồ như: Nhức đầu, dễ mệt, đau ngực, hồi hộp, khó thở…Có rất nhiều trường hợp bị tăng huyết áp nhưng không biết, vì không có biểu hiện nào khác thường. Chính vì vậy, bệnh tăng huyết áp còn được gọi là "kẻ giết người thầm lặng", bởi bệnh thường tiến triển âm thầm và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

- Nguy cơ nhồi máu cơ tim: Huyết áp cao, máu lưu thông kém hơn. Khả năng hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành tăng lên. Điều này gây hẹp dần lòng mạch, không dẫn đủ máu nuôi cơ tim gây ra triệu chứng mệt, đau ngực khi gắng sức. Bên cạnh đó, mảng xơ vữa này tạo cơ hội cho các tế bào máu đến bám vào thành mạch tạo nên cục huyết khối cấp tính, gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch vành và dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp.

- Suy tim: Tim phải hoạt động nhiều hơn để có thể thắng được áp lực mạch máu khi huyết áp tăng cao. Điều này diễn ra lâu ngày khiến cơ tim dày hơn và dần trở nên suy yếu. Đặc biệt, huyết áp tăng cao lâu ngày có thể gây ra suy tim.

- Tăng huyết áp có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt và gây ra bệnh võng mạc do tăng huyết áp.

- Tăng huyết áp cũng có thể làm ảnh hưởng lên toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể như động mạch chủ, động mạch cảnh, động mạch thận, đặc biệt là những mạch máu ở xa như hai chân. Các mạch máu này bị xơ cứng gây hẹp hoặc tắc nghẽn, tác động làm suy giảm chức năng thận.

- Suy giảm trí nhớ do tăng huyết áp: Một nghiên cứu gần đây đã cho thấy, tăng huyết áp có thể dẫn đến bệnhAlzheimer (chứng suy giảm trí nhớ) và thường gặp chủ yếu ở nam giới.

Mặc dù có nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng đến nay, bệnh tăng huyết áp chưa có biện pháp nào để điều trị khỏi hẳn. Vì vậy, khi bị tăng huyết áp cần kiểm tra huyết áp thường xuyên, kiên trì điều trị theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh có thể phải dùng thuốc thường xuyên và suốt đời.

Người bị tăng huyết áp cần thay đổi lối sống, trong đó cần chú ý đến kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu béo phì, giảm ăn muối và chất béo bão hòa, giảm lượng calo trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và bổ sung calci, kali, không uống rượu, bia, ăn nhiều rau trong các bữa ăn và nên thường xuyên ăn trái cây.

Bên cạnh đó, người tăng huyết áp nên rèn luyện thể lực thường xuyên, đi bộ nhanh ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Hồng Mai