Tăng huyết áp – Những vấn đề cần lưu ý



Kiểm tra huyết áp thường xuyên

Kiểm tra huyết áp thường xuyên

       Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp, huyết áp tăng xảy ra khi áp lực máu tác động lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường. Người bị cao huyết áp thường có biểu hiện như: đau đầu, hồi hộp, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa…nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bị tăng huyết áp có thể dẫn tới tử vong. Một số trường hợp không có biểu hiện như trên, nên khi bị tăng huyết áp đột ngột có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Trên thực tế, cả huyết áp cao và huyết áp thấp đều gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh. Chúng ta cần nắm rõ các chỉ số huyết áp để theo dõi huyết áp của mình nằm trong vùng nào để điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống cho phù hợp.

       Tổ chức Y tế thế giới cho rằng huyết áp cao không thể chữa trị nhưng có thể ngăn ngừa và điều trị giữ huyết áp ổn định dưới 140/90 mmHg. Hiện nay, tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa và ngày càng gia tăng, tỷ lệ mắc trong nhóm đối tượng trên 40 tuổi chiếm đến 40%. Như vậy, cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ người bị tăng huyết áp được quản lý, theo dõi và điều trị còn thấp mới chỉ chiếm 30% số người bị tăng huyết áp.

      Tại Hà Giang số người phát hiện tăng huyết áp là 21.268 trường hợp trong đó, số bệnh nhân đang được quản lý là 17.820 trường hợp; trong quý I.2020 phát hiện mới 998 trường hợp. Theo báo cáo của các bệnh viện tuyến tỉnh, tổng số  người bị tăng huyết áp được quản lý là 3.710 trường hợp; trong đó 2.964 trường hợp được Bệnh viện đa khoa tỉnh quản lý, tại Bệnh viện Y dược cổ truyền là 484 trường hợp và Bệnh viện đa khoa Đức Minh là 262 trường hợp.

       Với những người bình thường, huyết áp ban ngày thường cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng từ 1-3 giờ sáng và huyết áp cao nhất từ 8 -10 giờ sáng. Huyết áp tăng lên mỗi khi chúng ta vận động mạnh hoặc gắng sức, căng thẳng thần kinh hay khi xúc động.

      Đối với người trưởng thành, khi các chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120mmHg (mi-li-mét thủy ngân) và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg thì được gọi là huyết áp bình thường. Khi chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg thì được chẩn đoán là huyết áp cao.

       Huyết áp thấp được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hoặc giảm 25mmHg so với bình thường. Huyết áp tối đa bình thường từ 90 - 139 mmHg. Huyết áp tối thiểu bình thường từ 60 - 89 mmHg.

       Để biết mình có bị tăng huyết áp hay không, chúng ta cần phải đo huyết áp thường xuyên, đo nhiều lần trong ngày đồng thời theo dõi trong nhiều ngày. Trước khi đo huyết áp cần được nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút sau đó mới đo. Nên đo huyết áp ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 - 2 phút. Nếu đo huyết áp giữa 2 lần chênh nhau trên 10mmHg, cần đo lại lần 3 sau khi đã nghỉ trên 5 phút. Trong một số trường hợp người bị tiêu chảy, ra nhiều mồi hôi, mất sức hay dùng thuốc giãn mạch… sẽ làm huyết áp thấp xuống. Ngoài ra, tư thế ngồi hoặc đứng cũng ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp trung bình của mỗi người vì khi ngồi sai tư thế làm lượng máu lưu thông không đồng đều dẫn đến chỉ số huyết áp không ổn định. Chế độ ăn uống, sinh hoạt như: ăn mặn, ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu bia, hút thuốc lá,… sẽ ảnh hưởng làm xơ cứng thành mạch, dẫn đến tăng huyết áp. Chế độ sinh hoạt không điều độ, làm việc căng thẳng, thường xuyên thức khuya, ít vận động và tập thể dục thể thao,… cũng là nguyên nhân làm huyết áp không ổn định. Do vậy, chúng ta cần tìm hiểu kỹ về các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp.

       Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng cao; huyết áp cao có xu hướng di truyền trong gia đình; thừa cân hoặc béo phì; chế độ ăn uống không đầy đủ. ăn quá nhiều muối, hút thuốc lá, uống rượu hoặc quá ít kali, vitamin D là lý do dẫn các bệnh khác và ảnh hưởng đến huyết áp; Ngoài ra, stress hay bệnh mạn tính như bệnh thận, bệnh tiểu đường, ngừng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ cao huyết áp.

       Các biến chứng của tăng huyết áp: Tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch, giảm thị lực, mù lòa, suy thận…

       Để phòng chống tăng huyết áp mọi người cần: Hàng ngày tập thể dục, đi bộ 30-40 phút, ăn nhạt, tăng cường ăn rau xanh và các loại quả tươi chín, hạn chế ăn mỡ động vật và các thức ăn có nhiều cholesterol, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, thuốc lào, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

        Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc có các biểu hiện của huyết áp hãy đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, tư vấn, khám và điều trị./.

Thu Hòa (soạn)