Tăng cường công tác phòng chống bệnh Lao



Chăm sóc người bệnh lao tại bệnh viện Phổi tỉnh Hà Giang

Chăm sóc người bệnh lao tại bệnh viện Phổi tỉnh Hà Giang

       Bệnh viện Phổi tỉnh Hà Giang là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh chuyên ngành Lao và các bệnh phổi. Thời gian qua bệnh viện Phổi tỉnh Hà Giang đã khắc phục khó khăn thực hiện tốt mục tiêu quản lý, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân nhiễm lao, đồng thời tăng cường các hoạt động chỉ đạo tuyến, kiểm tra, giám sát phát hiện sớm bệnh lao tại cộng đồng.

       Năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và điều trị 575 người nhiễm lao các thể, trong đó có 315 người bệnh điều trị tại bệnh viện Phổi tỉnh và 260 người bệnh điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện. Để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, bệnh viện Phổi đã tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ đồng thời triển khai ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị như kỹ thuật chẩn đoán lao nhanh, nuôi cấy vi khuẩn, kỹ thuật nội soi phế quản bằng ống mềm, nội soi phế quản, bơm rửa phế quản,... Đây là những kỹ thuật chuyên sâu giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả cho người bệnh Lao.

       Anh Sùng Mí N, ở huyện Đồng Văn đang điều trị tại bệnh viện Phổi tỉnh chia sẻ: Do thiếu hiểu biết về bệnh lao nên sau nhiều tuần ho sốt, kéo dài anh mới đến cơ sở y tế để khám bệnh. Khi đến điều trị tại bệnh viện Phổi tỉnh, sức khỏe của anh đã bị suy giảm nghiêm trọng với các triệu chứng như: Khó thở, sốt, đau tức ngực, cân nặng chỉ còn 39 kg. Sau 1 tháng điều trị sức khỏe anh đã cải thiện rõ rệt anh đã tăng được 2 kg và hết các triệu chứng như: khó thở, sốt và đỡ mệt mỏi. Đến gờ anh mới hiểu được bệnh lao rất nguy hiểm đối với sức khỏe.

       Bác sĩ Lý Văn Phàn, Trưởng khoa Lao phổi cho biết: Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy vậy với những người mắc lao được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, người bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Còn với trường hợp người bệnh lao phát hiện muộn, lúc này sức khỏe đã bị suy giảm nhiều, quá trình điều trị có thể gặp nhiều khó khăn, sau điều trị người bệnh có thể gặp nhiều di chứng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Vì vậy trong mọi trường hợp bất thường về sức khỏe mọi người cần sớm đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện bệnh lao, bệnh phổi cũng như các bệnh khác.

       Nhằm phát hiện sớm, các trường hợp nhiễm lao trong cộng động, Bệnh viện phổi tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân và thường xuyên tổ chức các đợt khám sàng lọc tại các xã vùng sâu vùng xa nhằm phát hiện, tư vấn điều trị và truyền thông dự phòng. Năm 2020 với xe Xquang lưu động, bệnh viện Phổi đã tổ chức khám sàng lọc tại cho 7.550 người tại 3 huyện: Yên Minh, Vị Xuyên và Quản Bạ, phát hiện 49 trường hợp mắc lao đưa vào điều trị. Việc đưa xe Xquang lưu động vào các đợt khám sàng lọc đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc phát hiện người mắc lao tại cộng động. Sau khi khám, tư vấn, chụp Xquang, nếu phát hiện thấy trường hợp bất thường thì sẽ tiếp tục được xét nghiệm và cho kết quả ngay sau 2 giờ.

       Tuy vậy thực tế hiện nay công tác phòng chống lao tại Hà Giang còn gặp không ít khó khăn như: Nhận thức và hiểu biết của người dân về bệnh lao còn hạn chế. Người mắc lao đa số là người nghèo, sống ở vùng sâu, vùng xa, là lao động chính trong nhiều gia đình, chính vì vậy công tác quản lý, theo dõi người bệnh sau điều trị còn chưa thực sự hiệu quả. Số người mắc lao tiền ẩm trong cộng đồng còn ở mức cao. Theo nghiên cứu dịch tễ tại địa bản tỉnh, số lượng bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm mới chỉ đạt khoảng 50% số thực tế.

       Hướng đến mục tiêu giảm số người mắc lao trong cộng đồng, tăng tỷ lệ người bệnh điều trị khỏi và hoàn thành điều trị, tăng tỷ lệ người mắc lao trong cộng đồng được phát hiện. Bác sĩ Chúc Hồng Phương, Giám đốc bệnh viện Phổi cho biết những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống lao thời gian tới: Tăng cường phối hợp, triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao; chủ động phát hiện người bệnh trong cộng đồng và quản lí điều trị tốt bệnh nhân lao sau khi phát hiện, nhất là giai đoạn duy trì để tăng tỷ lệ điều trị khỏi; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống lao tuyến huyện, xã, bảo đảm triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống Lao quốc gia, góp phần Việt Nam thanh toán bệnh lao vào năm 2030./.

Liên Hương