SƠ CẤP CỨU ĐÚNG CÁCH – CƠ HỘI SỐNG CHO TRẺ ĐUỐI NƯỚC



Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tuần vừa qua, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho ba trường hợp trẻ em bị đuối nước chưa được xử trí cấp cứu ban đầu đúng cách, mặc dù trẻ đã được đưa tới cơ sở y tế điều trị hồi sức tích cực nhưng trẻ vẫn không qua khỏi hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề.

Cho trẻ học bơi để phòng tránh đuối nước ở trẻ em

Cho trẻ học bơi để phòng tránh đuối nước ở trẻ em

Vì vậy, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu ôxy. Thời gian chịu đựng thiếu ô xy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp trẻ đuối nước đó là sau khi đưa trẻ lên bờ nhiều người có thói quen dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy. Điều này sẽ làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt) làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ.

Vì vậy, khi thấy trẻ bị đuối nước cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Hãy gọi 115 và gọi trợ giúp nếu có người xung quanh.

Bước 2: Khẩn trương đưa trẻ ra khỏi mặt nước. Người đưa trẻ ra khỏi đuối nước phải là người biết bơi, có kỹ năng cứu người bị đuối nước để tránh những rủi ro khác có thể xảy ra.

Bước 3: Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không. Trong khi kiểm tra hơi thở, hãy gọi tên của đứa trẻ để xem đứa trẻ có phản ứng không.

Bước 4: Nếu trẻ không tỉnh và thở được cần đặt trẻ ở tư thế an toàn và đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.

Bước 5: Nếu trẻ không tỉnh cần:

- Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt chắc chắn và cứng.

- Nếu nghi ngờ chấn thương cổ hoặc đầu, hãy di chuyển trẻ trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng.

- Nếu không chấn thương cổ: Giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để cho đường thở được thông thoáng. Nếu bạn nghi ngờ chấn thương cổ, không ngửa đầu, chỉ cần ấn hàm. Đối với em bé, hãy cẩn thận không ngửa đầu ra sau quá nhiều.

- Khi thổi ngạt: Với trẻ sơ sinh, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi của trẻ và đưa miệng của bạn qua miệng của đứa trẻ.

- Thổi vào miệng trẻ trong 1 giây: Ngực của trẻ sẽ phồng lên khi bạn làm điều này. Lặp lại hơi thở lần thứ hai.

Bước 6: Bắt đầu ép tim ngoài lồng ngực

- Vị trí ép tim: Trên xương ức, ngang với đường nối 2 núm vú.

- Sử dụng mu bàn tay để ép tim.

- Bắt đầu nhanh chóng ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 - 1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau.

- Tốc độ ép tim 100 - 120lần/phút. Hãy để ngực nở ra hoàn toàn giữa các lần ép tim.

- Nếu chỉ có một mình cấp cứu: Hãy thực hiện 30 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần. Nếu có 2 người cấp cứu: Hãy thực hiện 15 lần ép tim, sau đó thổi ngạt 2 lần.

- Cứ sau mỗi 2 phút, cần kiểm trẻ xem trẻ có mạch không, có thở không. Nếu trẻ không thở, hãy tiếp tục ép tim đến khi cấp cứu 115 đến.

Lưu ý: Không được bế dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy. Vì việc dốc ngược trẻ đuối nước lên vai rồi chạy sẽ làm các dịch dạ dày trào ngược, hít vào đường thở, mất thời gian vàng cấp cứu trẻ.

Để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo: Nhà trường và gia đình nên có các chương trình dạy kỹ năng sống, đặc biệt là dạy bơi cho trẻ để tránh những tai nạn không mong muốn. Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Hồng Mai (TH)