Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rửa tay là liều vắc xin mạnh nhất chống lại bệnh tật. Việc rửa tay vừa đơn giản, dễ thực hiện và không tốn nhiều thời gian nhưng lại có thể phòng tránh nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt trong thời gian gần đây khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19) đang diễn biến phức tạp và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chủ động phòng bệnh vẫn được coi là giải pháp quan trọng, trong đó, việc rửa tay thường xuyên, đúng cách với nước sạch và xà phòng là biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả đem lại vô cùng lớn.
Theo các nghiên cứu đã chứng minh, bàn tay không được vệ sinh sạch sẽ là nơi có thể chứa nhiều nhất các mầm bệnh. Bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh như vi khuẩn, vi rút, trứng giun sán… gây tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, tay chân miệng. Đặc biệt, biến chứng của bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cấp nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến tử vong. Trong khi đó, vệ sinh kém cũng dẫn đến bệnh giun sán và đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng phát triển toàn diện của trẻ.
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNI-CEF), tại Việt Nam chỉ có 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và có tới 74% bà mẹ có con dưới 5 tuổi không rửa tay bằng xà phòng trước khi cho con ăn hoặc cho trẻ bú. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Tại tỉnh ta, trong năm 2019, số ca mắc một số bệnh lây nhiễm như: bệnh sởi là 269 ca, tay chân miệng 203 ca; tiêu chảy 6.539 ca, cúm mùa là 14.458 ca...
Để phòng chống các bệnh lây nhiễm, theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ một động tác rửa tay với xà phòng tại 05 thời điểm quan trọng trong ngày: Sau khi sử dụng nhà vệ sinh; sau khi sinh hoạt hoặc chơi đùa ngoài trời; sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh như thay quần áo, tã lót, chăm sóc vệ sinh...; sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay; trước khi vào bữa ăn, trước khi chế biến thức ăn cho gia đình, sẽ làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy, giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 - 45% ở trẻ em và phòng ngừa rất hiệu quả bệnh tay chân miệng.
Rửa tay là một việc làm nhỏ thế nhưng nhiều người chỉ dùng một lượng xà phòng nhỏ hoặc không dùng xà phòng, sau đó rửa nhanh lại với nước sạch, do đó, mầm bệnh vẫn chưa được rửa sạch, bởi trong quá trình hoạt động hàng ngày, bàn tay chúng ta sẽ thường xuyên va chạm, tiếp xúc vào đồ vật, mọi người xung quanh, hoặc dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi bắn ra ngoài môi trường bám lên bề mặt các đồ vật, dẫn đến tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay, nhất là trong các kẽ ngón tay, kẽ móng tay, sau đó, vô tình như đưa tay chứa vi khuẩn chạm vào mắt, mũi hay miệng, họ có thể lây nhiễm bệnh tật cho chính bản thân hoặc những người xung quanh. Việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và làm sạch hoàn toàn với nước sạch sẽ giúp loại bỏ nhiều bụi bẩn, mảnh vụn, vừa giúp giết chết được các vi trùng, vi khuẩn và các loại mầm bệnh nguy hiểm, từ đó có thể giúp mỗi người hạn chế chuyển giao và lây lan các vi khuẩn, vi rút từ người khác sang mình và ngược lại.
Vì vậy, mỗi người hãy tạo cho mình và giúp trẻ ngay từ khi còn nhỏ hãy hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, ngăn ngừa sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thực hiện rửa tay theo đúng quy trình bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh:
Bước 1: Làm ướt bàn tay bằng nước, lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại
Bước 3: Chà hai lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của lòng bàn tay này vào lòng bàn tay kia
Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại
Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay với vòi nước tới cổ tay và làm khô tay.
Lưu ý: Thời gian vệ sinh tay tối thiểu cho cả quy trình là 30 giây.
Hồng Mai (Tổng hợp)