PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC RƯỢU TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN



Mỗi khi tết đến xuân về việc chúc nhau chén rượu, mời nhau cốc bia đã trở thành phong tục của nhiều người, nhiều gia đình. Tuy nhiên mỗi người cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng rượu, bia để đảm bảo sức khỏe cũng như ngộ độc do rượu gây ra

Không nên uống nhiều rượu để phòng tránh ngộ độc (Ảnh nguồn internet)

Không nên uống nhiều rượu để phòng tránh ngộ độc (Ảnh nguồn internet)

Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay ngộ độc do rượu có hàm lượng methanol cao là 9/28 vụ, chiếm 32,1%; rượu ngâm thuốc lá chiếm 17,9%; rượu ngâm cây rừng độc chiếm 39,3%...

Năm 2017 cũng là năm ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol dù giai đoạn trước đó đã có dấu hiệu giảm. Trong năm cả nước ghi nhận 10 vụ với 119 người mắc, tử vong 11 người.

Nguyên nhân gây ngộ độc rượu.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc rượu là do tình trạng lạm dụng rượu, vượt quá khả năng hấp thụ của cơ thể. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, rượu giả, rượu kém chất lượng pha methanol với tỷ lệ cao tràn lan khắp nơi. Methanol là cồn công nghiệp, khi đi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành formaldehyt và  acid formic, hai chất độc ảnh hưởng nặng nề đến gan và thận. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu tăng cao trong dịp Tết.

Triệu chứng của ngộ độc rượu

Khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và gây nên các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần - hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, loét dạ dày - tá tràng, tim mạch… Uống nhiều rượu thực phẩm gây ngộ độc cấp tính hay còn gọi là say rượu và nghiện rượu. Khi bị ngộ độc rượu cấp tính, đầu tiên, người bệnh có dấu hiệu hưng phấn, kích thích, nói nhiều, mất khả năng vận động tự chủ, mất cân bằng, ngồi không vững. Sau đó, khi đã ngấm vào cơ thể, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp, thần kinh, khiến người bệnh giảm phản xạ cơ, xương, tri giác, mất tri thức, hạ huyết áp, có thể rơi vào hôn mê. Lúc này, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

 Cách phòng tránh ngộ độc rượu dịp tết

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, theo Cục An toàn thực phẩm, cần thực hiện các nguyên tắc sau:

 Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

 Không uống rượu nồng độ từ 300 trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

 Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

 Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

 Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Lưu ý khi có người bị ngộ độc rượu cần

Trước hết với những trường hợp say rượu bia nhẹ, có thể xử trí tại nhà như sau:

 Kê gối thấp cho người bệnh nằm nhằm làm nôn hết rượu ra, sau đó cho ăn cháo loãng, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn.

 Uống nước ấm tốt hơn là nước lạnh để hạn chế mất nước khi uống rượu. Một số loại nước uống như nước gừng tươi, nước chè xanh, sữa nóng, cam vắt, nước chanh, nước cà chua, nước ép bưởi... có thể giúp giải độc rượu hiệu quả.

 Không nên dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau.

 Không để người bệnh tắm ngay khi đang say vì dễ gây hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đột quỵ, tụt huyết áp.

Cần lưu ý, khi chăm sóc người bị ngộ độc rượu không nên để người bệnh ngủ li bì vì có thể gây nguy hiểm, dễ bị sặc hay thân nhiệt dễ bị hạ thấp. Vì vậy, cứ khoảng 2 tiếng, nên đánh thức dậy, cho ăn chút cháo loãng ấm nóng.

Cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu nếu người bệnh có các dấu hiệu sau:

 Nôn liên tục, đặc biệt khi dịch nôn có máu.

 Lay gọi không tỉnh sau 2-3 giờ.

 Vã mồ hôi, tay chân lạnh, da xanh tái, mạch bắt yếu.

 Co giật, thở chậm, thở không đều, tím tái.

 

 

Thu Ngân (Soạn)  Trung tâm TT/GDSK