PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ BỆNH, TẬT HỌC ĐƯỜNG



Năm học mới đã bắt đầu, chất lượng học tập của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố sức khỏe. Bệnh, tật học đường là những bệnh mà học sinh mắc phải trong thời gian đi học, có liên quan đến điều kiện vệ sinh, ánh sáng, độ chuẩn mực của phòng học, bàn ghế nơi các em học tập, chủ yếu là các tật khúc xạ (cận thị). Với những hậu quả về thể chất và tinh thần đang ngày càng gia tăng cho thế hệ tương lai, phòng chống bệnh, tật học đường là một vấn đề cấp bách cần sự quan tâm của toàn xã hội.

Cho trẻ ngồi học đúng tư thế để phòng tránh một số bệnh, tật học đường

Cho trẻ ngồi học đúng tư thế để phòng tránh một số bệnh, tật học đường

Cận thị

 Là một loại tật khúc xạ phổ biến rất hay gặp ở lứa tuổi học sinh. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội và thói quen sinh hoạt, tỷ lệ cận thị ngày càng gia tăng gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sống và kết quả học tập của lớp trẻ.

Hai nguyên nhân chính gây bệnh cận thị là do bẩm sinh và mắc phải. Bệnh bẩm sinh do yếu tố di truyền, cha mẹ cận thị thì con cũng bị cận thị. Loại này có đặc điểm là độ cận cao, có thể trên 20 đi ốp, độ cận tăng nhanh cả khi đã ở tuổi trưởng thành, khả năng phục hồi thị lực của bệnh nhân kém dù được điều trị.

Bệnh cận thị mắc phải thường gặp ở lứa tuổi học sinh, do các em học tập, làm việc, nhìn gần nhiều trong điều kiện thiếu ánh sáng, mắt không được nghỉ ngơi hợp lý. Ngoài việc trẻ phải học ở trường, thời gian rảnh rỗi nhiều bé thích đọc truyện tranh, sách báo nhi đồng... Đọc sách nhiều tốt cho trẻ nhưng vấn đề là trẻ đọc vào thời gian nào, địa điểm nào, có đủ ánh sáng không? Có trẻ thản nhiên nằm trong phòng thiếu ánh sáng đọc có khi ngồi sau yên xe cha mẹ chở... Điều này rất có hại cho mắt vì mắt phải điều tiết nhiều. Chính những sai lầm nhỏ này đa số trẻ bị cận thị không phải do di truyền mà do chính những sai lầm nhỏ ấy. Vì vậy, Nhà trường và các bậc phụ huynh nên lưu tâm đến vấn đề giờ giấc, ánh sáng phòng học của con để tránh tật cận thị cho trẻ.

Cong vẹo cột sống

          Ở lứa tuổi này các bộ phận trong cơ thể trẻ như xương, khớp, cơ đang phát triển mạnh. Tư thế ngồi sai có thể dẫn đến biến dạng cột sống, nếu để kéo dài sẽ rất khó chữa trị, vì khi đi học trẻ phải ngồi liên tục nhiều giờ trên lớp. Các bậc phụ huynh lại lại ít quan tâm và chú ý đến vấn đề này, tất cả đều phó mặc cho thầy giáo, cô giáo vì vậy không ít trẻ bị vẹo cột sống.

Cong vẹo cột sống làm cho cơ thể bị lệch trọng tâm gây khó khăn cho các hoạt động thể lực, gây biến dạng lồng ngực nên dễ mắc bệnh giảm thông khí phổi hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của khung chậu và cong vẹo cột sống làm người bệnh mặc cảm về hình dáng, khó hòa nhập với các hoạt động xã hội. Hệ quả của căn bệnh này sẽ gây lệch trọng tâm cơ thể, khiến học sinh ngồi học không được ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc, viết và làm căng thẳng thị giác, cản trở cho việc tập trung trí não. Cong, vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của khung chậu, do đó ảnh hưởng đến việc sinh nở của học sinh nữ khi đến tuổi làm mẹ sau này.

          Rối loạn tâm thần

Chứng rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học đường thời gian gần đây gây nhiều quan tâm của cả gia đình, nhà trường và xã hội trên hai phương diện về mức độ tăng nhanh và tính chất nghiêm trọng của vấn đề.

Biểu hiện của rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học đường ở nhiều mức độ như mất tập trung, căng thẳng, đau đầu chóng mặt, khó kiểm soát hành vi, nặng hơn nữa thì có biểu hiện trầm cảm, thậm chí hoang tưởng tự sát. Nguyên nhân của hiện tượng này có lẽ do khối lượng học tập quá tải, học thêm, bồi dưỡng ngoài giờ liên miên, phân bố chưa hợp lý trong các môn học, phụ huynh kỳ vọng ở con em quá nhiều nên tạo một tâm lý nặng nề cho trẻ, điều kiện vệ sinh, chăm sóc sức khỏe trong học tập nhiều nơi chưa đảm bảo, thời gian học chiếm hết thời gian vui chơi giải trí... Khiến cho các em luôn trong tình trạng làm việc liên tục, đầu óc và cơ thể không có thời gian nghỉ ngơi.

          Một số giải pháp

Thay đổi thái độ và hành vi: Trẻ em cần được định hướng, được cung cấp những kiến thức tối thiểu về các loại bệnh, tật học đường và cách phòng chống, được tạo điều kiện về mọi mặt để đảm bảo một sức khỏe tốt cả về thể chất và tinh thần, tâm thần.

Môi trường học tập đảm bảo: Chúng ta phải đảm bảo cho môi trường giáo dục, bao gồm cả khối lượng kiến thức, phương pháp tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả và cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đúng tiêu chuẩn, phù hợp lứa tuổi.

 

Thu Ngân (Soạn) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật