PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM CÓ CHỨA THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT



Thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) là những nhóm hoá chất có thành phần khác nhau, được dùng để phòng ngừa sâu bệnh gây hại trong sản xuất nông nghiệp.

Sử dụng TBVTV là một biện pháp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ước tính nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì một nửa mùa màng và năng suất bị phá hoại dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trên thế giới. Vì vậy, việc sử dụng TBVTV đã không ngừng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Ở Việt nam hiện nay mỗi năm tiêu thụ trên 30 ngàn tấn, tăng gấp 3 lần so với những năm 80. Từ khi không còn hợp tác xã nông nghiệp, việc sử dụng TBVTV ở nước ta do từng hộ gia đình tự mua và tự dùng, không còn đội phun thuốc trừ sâu của hợp tác xã đảm nhiệm như trước nên tình trạng ô nhiễm TBVTV càng đáng lo ngại. Có nhiều cách chia loại TBVTV khác nhau, dựa vào nhóm đó để biết các thông tin về độ độc, cơ chế tác động, cấu tạo hoá học hay mục đích sử dụng. Đặc biệt, tỉnh ta là một tỉnh biên giới, việc người dân tự ý mua TBVTV không rõ nguồn gốc, không biết cách sử dụng và bảo quản cũng chính là tác nhân gây ra việc lạm dụng sử dụng TBVTV và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Bên cạnh những mặt lợi, việc sử dụng TBVTV có thể để lại nhiều tác hại cho môi trường và sức khoẻ của con người. TBVTV có thể gây độc cho người qua các con đường chính như: Thuốc ngấm vào trong đất, nguồn nước và không khí (khi phun qua đó vào thức ăn đồ uống và vào cơ thể con người). Thuốc có thể trực tiếp ngấm qua da do tiếp xúc, thuốc ngấm vào thức ăn, đồ uống do vô tình hay hữu ý như để lẫn TBVTV gần nơi chứa đựng mắm, muối,... Đặc biệt quan trọng là dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn dư trên bề mặt thực phẩm rau quả do người sản xuất thực hành sai nguyên tắc.

Trong khi sử dụng TBVTV, những cách thực hành sai thường gặp gây nên tình trạng ô nhiễm trên rau quả là:

- Sử dụng các loại TBVTV đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng, do không biết hoặc cố tình vì muốn hiệu quả diệt sâu cao bảo vệ mùa màng.

- Lạm dụng thuốc theo nghĩa dùng quá nhiều đợt phun cho một vụ rau quả hoặc thường xuyên phun ở nồng độ cao hơn nhiều so với hướng dẫn ghi trên nhãn.

- Không đảm bảo thời gian phân huỷ kể từ khi phun lần cuối đến khi thu hái sản phẩm vì muốn kịp phiên chợ để bán rau hoặc cần ăn ngay.

- Không để ý đọc các thông tin trên nhãn mác hoặc không được hướng dẫn cách sử dụng.

Sự thiếu thông tin, kiến thức về độc tính và cách sử dụng TBVTV và vì những lợi ích trước mắt thường là nguyên nhân của cách thực hành không an toàn làm người tiêu dùng có thể bị nhiễm độc hàng loạt.

Một số biểu hiện thường gặp của người tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hoặc uống nhầm phải thuốc bảo vệ thực vật là: Nổi mẩn, ngứa, nuốt khó, nuốt đau, run chân tay, đái ít hoặc không đi đái được, khó thở, co giật và dẫn đến chết người nếu không được chữa trị kịp thời.

Để đề phòng ngộ độc do TBVTV đối với người tiêu dùng, cần chú ý đến những điểm sau đây:

- Không mua, sử dụng rau quả có mùi, vị lạ, khác thường.

- Ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ các loại rau quả ăn tươi. Ngâm kỹ, rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy nếu có thể để loại trừ phần lớn các TBVTV tồn dư, tức là loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm qua con đường rửa trôi.

- Nấu chín và mở vung khi nấu cũng là cách tốt để loại trừ phần lớn các TBVTV còn sót lại qua sự bay hơi.

Cán bộ bảo vệ thực vật ở các địa phương cần tăng cường hướng dẫn việc sử dụng TBVTV, thường xuyên thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng các phương pháp sử dụng an toàn hiệu quả, đặc biệt về các thuốc đã bị hạn chế hoặc cấm sử dụng.

Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần lưu ý:

- Phải đọc, hiểu cách sử dụng trước khi dùng.

- Sử dụng TBVTV theo phương châm 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng cách và tuân thủ nghiêm ngặt thời gian phân huỷ của từng loại thuốc đối với từng loại cây trồng.

- Không vì các lợi ích trước mắt trong giai đoạn kinh tế thị trường mà sử dụng sai quy cách, gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào trồng rau an toàn, chương trình phòng ngừa độc hại tổng hợp trên rau. Cần kết hợp với y tế cơ sở tuyên truyền cho người trồng rau nhận thức rõ mối nguy hiểm về sức khoẻ và tính mạng mà người trồng rau có thể mang tới cho người tiêu dùng, nhấn mạnh đến lương tâm và trách nhiệm chung của họ đối với cộng đồng.

Thu Ngân (Soạn)