PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM CẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI DÂN



Truyền thông Phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường THCS Yên Phú huyện Bắc Mê

Truyền thông Phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường THCS Yên Phú huyện Bắc Mê

Theo báo cáo của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, trong năm 2018 toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm tại các huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và Mèo Vạc với 196 người mắc nhập viện, tử vong 03 người.

Trao đổi của chúng tôi với Ông Nguyễn Như Chưởng – Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Nguyên nhân ngộ độc đều là do nhận thức của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm còn hạn chế, đặc biệt đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn có thói quen sử dụng các loại thực phẩm không an toàn, thực phẩm hư hỏng biến chất, các loại thực phẩm có sẵn độc tố tự nhiên như nấm độc. Bên cạnh đó, vẫn còn một phần nhỏ người kinh doanh chưa chấp hành đúng các nguyên tắc trong chế biến kinh doanh, chưa có đủ thiết bị, biện pháp phòng chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định; sử dụng nguyên liệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không đảm bảo và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh... dẫn đến các nguy cơ ngộ độc thực phẩm”. Chỉ tính riêng năm 2018, Đoàn kiểm tra giám sát 6.480 lượt cơ sở, phát hiện 1.006 lượt cơ sở không đạt điều kiện vệ sinh chiếm 15,5%; 958 cơ sở bị cảnh cáo, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục; phạt tiền 48 cơ sở; tiêu hủy 113 sản phẩm hàng hóa do hết hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng là 185kg...

Vì vậy, để phòng chống ngộ độc thực phẩm, Ông Nguyễn Như Chưởng cho rằng: “Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát thì biện pháp quan trọng nhất là cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh, lựa chọn, sử dụng, chế biến thực phẩm hợp lý và cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm”.

Để nâng cao nhận thức của người dân, năm 2018 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với các cơ quan tuyên truyền của tỉnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về: Cách lựa chọn thực phẩm an toàn, các biện pháp để phòng chống ngộ độc thực phẩm đặc biệt là do nấm độc, bột ngô mốc...; tư vấn truyền thông trực tiếp tại cơ sở được gần 600 buổi với hơn 13.900 lượt người nghe; truyền thông lồng ghép trong các buổi họp thôn, tổ dân phố được 3.448 buổi/185.057 lượt người nghe; lồng ghép sinh hoạt đoàn, đội 19 buổi/397 lượt người nghe; truyền truyền tại các phiên chợ xã, trường học được 235 buổi/54.748 lượt người nghe; thực hiện 4.366 lần phát thanh tại tuyến huyện và xã... Ngoài ra, Chi cục thường xuyên phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện tổ chức tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho các đối tượng là lãnh đạo quản lý các phòng ban cấp huyện, cấp xã, cán bộ giáo viên, y tế; chỉ đạo các đơn vị Y tế tuyến huyện tập huấn, tuyên truyền giáo dục truyền thông cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trong năm 2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản lý và phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm nâng cao kiến thức, hiểu đúng, thực hiện đúng Luật An toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Bằng sự nỗ lực và vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành chức năng, hy vọng rằng, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo người dân, đặc biệt là người dân sinh sống tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh từ đó giúp người dân được nâng cao nhận thức để biết cách chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng

Hồng Mai