Phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh



Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

       Thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt khi trời trở lạnh giá rét những trẻ có sức đề kháng yếu sẽ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp, viêm phổi... gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần nắm được một số bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa lạnh, từ đó phát hiện và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

       Viêm xoang cấp: Đối với trẻ nhỏ thì các yếu tố bên ngoài như virut, vi khuẩn... tác động tới cơ thể chính là những yếu tố có thể tác động tới hệ thống hô hấp của trẻ đặc biệt chính là viêm xoang mũi cấp tính, biểu hiện dễ phát hiện của bệnh là trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi kéo dài. Nước mũi thường chuyển sang màu trắng đục, xanh hoặc vàng. Trẻ thường quấy khóc nhiều, nếu đã biết nói, trẻ có thể kêu nhức đầu, đau sau hốc mắt, nặng mặt, khô rát họng.

       Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp: Bệnh thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ 2 tuổi. Bệnh khởi phát với những triệu chứng viêm mũi họng thông thường, trẻ bắt đầu khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở rít, co lõm hõm ức và lồng ngực. Trẻ ho rất nhiều, có thể khó thở, thở nhanh, thở ồn ào, co kéo cơ hô hấp phụ, vã mồ hôi, tím tái, lơ mơ. Nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

       Viêm amidan: Đối với trẻ khi thời tiết thay đổi thất thường trẻ rất dễ bị viêm amidan. Biểu hiện của bệnh chính là những cơn sốt tái đi tái lại, đau họng, sưng amidan, thấy xuất hiện nhiều mủ trắng nằm trong amidan. Bệnh này không khó phát hiện nếu như các bậc cha mẹ để ý tới các biểu hiện của trẻ.

       Viêm phổi: Xảy ra ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn nhất là vi khuẩn Hib và phế cầu khuẩn. Bệnh biểu hiện sớm nhất với dấu hiệu thở nhanh bất thường, ho kèm khò khè nếu xuất tiết nhiều đờm nhớt ở đường hô hấp, một số trẻ có thể bị sốt cao, thở mệt, lừ đừ, bệnh có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực.

       Phòng bệnh

       - Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm. Lưu ý các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ; không cho trẻ mút tay, mút đồ chơi vì đây là con đường lây bệnh rất phổ biến; vệ sinh nhà cửa, bàn ghế, đồ chơi, quần áo cho trẻ thật sạch sẽ; giữ môi trường thông thoáng, tránh ẩm thấp. Ngoài ra, không cho trẻ tiếp xúc với người hút thuốc lá và không để trẻ hít phải khói thuốc.

       - Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh viêm đường hô hấp thì cần vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ. Tuy nhiên, vào mùa lạnh ta cần ngâm lọ nước muối trong nước ấm cho tan giá sau đó mới nhỏ cho trẻ.

       - Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị, nhất là các loại thuốc kháng sinh. Phải uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

       - Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Ngoài ra, khi trẻ có biểu hiện như khó chịu, bú ít, quấy khóc khi bú, ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế. Ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh, nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm là vô cùng quan trọng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Thùy Dung (Tổng hợp)