Nuôi con bằng sữa mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương



Kết nối vòng tay yêu thương

Kết nối vòng tay yêu thương

Bú mẹ là cách tốt nhất và an toàn nhất để nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã khuyến cáo tất cả các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Dù ý thức được tầm quan trọng của sữa mẹ nhưng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay khá thấp ở nhiều quốc gia. Chính điều này trở thành nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng to lớn tới mầm non tương lai của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương” nhằm khuyến khích và tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ; đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ.

Theo WHO, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì trong sữa mẹ có đủ chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Cùng với đó, sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh nhiễm khuẩn. Ngoài ra, việc cho con bú mẹ thường xuyên còn giúp cải thiện tâm lý cho bà mẹ và trẻ, giúp người mẹ phục hồi nhanh hơn, giảm nguy cơ béo phì và bệnh mạn tính cho trẻ sau này. Trẻ sơ sinh cần được cho bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh và được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Trong thời gian đó, mẹ không cần bổ sung thêm cho trẻ bất kỳ loại thực phẩm nào khác, kể cả việc uống nước. Từ 6 tháng tuổi trở đi, vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp với việc ăn dặm đầy đủ các nhóm thực phẩm để tăng cường dinh dưỡng. Tùy thuộc vào nhu cầu thực tế, tình trạng sức khỏe của trẻ mà mẹ có thể tiếp tục cho bú tới 24 tháng tuổi rồi tiến hành cai sữa. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ có lợi cho trẻ, mà còn có lợi cho bà mẹ, gia đình và cộng đồng trên nhiều phương diện:

Lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ:

- Cung cấp dinh dưỡng: Sữa mẹ cung cấp gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như: Vitamin, khoáng chất, đạm, protein và chất béo, chứa nhiều đạm dễ tiêu hóa.

- Cung cấp kháng thể tự nhiên, sạch, vệ sinh, an toàn.

- Giảm nguy cơ mắc bệnh: Giảm nguy cơ dị ứng, sâu răng, giúp phát triển xương hàm, răng, giọng nói, khuôn mặt… giảm nguy cơ mắc các bệnh như: Viêm tai giữa, bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh, rối loạn đường ruột...

- Giúp trẻ thông minh hơn: Do sữa mẹ rất giàu HMO – thành phần giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột, sữa mẹ còn giàu DHA, thành phần quan trọng nhất cho sự phát triển trí não.

- Giúp trẻ gần gũi với mẹ hơn: Tăng tình cảm gắn kết yêu thương giúp phát triển cảm xúc.

2. Lợi ích với mẹ khi cho con bú

- Hỗ trợ giảm cân: Việc cho con bú sẽ đốt cháy nhiều Calo hơn, từ đó giúp mẹ giảm cân nhanh hơn.

- Giúp tử cung co lại nhanh hơn: Khi cho con bú, lượng hormone ocytocin trong cơ thể người mẹ sẽ tăng cao, giúp co thắt tử cung, giảm chảy máu, tử cung sớm co hồi trở lại.

- Giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.

- Giảm nguy cơ mắc bệnh tật: Việc cho con bú sớm sau khi sinh có thể giúp tuyến sữa của mẹ được thông suốt, hạn chế nguy cơ bị ung thư vú, viêm tắc vú,…phụ nữ cho con bú ít có nguy cơ mắc phải các bệnh như huyết áp cao, viêm khớp, mỡ máu cao, tim mạch và tiểu đường.

- Giảm nguy cơ loãng xương.

3. Nuôi con bằng sữa mẹ còn tốt cho gia đình và cộng đồng

- Khi nuôi con bằng sữa mẹ bạn không phải mất tiền mua sữa, mua bình sữa hay dụng cụ pha sữa… Do đó, nuôi con bằng sữa mẹ không tạo ra ô nhiễm, bao gói và chất thải dư thừa.

- Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm chi phí chăm sóc sức khoẻ, trẻ sơ sinh ít ốm, do vậy ít phải đi bác sĩ và bệnh viện. Đồng thời, làm giảm số ngày phụ huynh phải dùng để chăm sóc trẻ em bị bệnh ở nhà…

4. Để có đủ sữa cho con bú, bà mẹ cần thực hiện những biện pháp sau:

- Người mẹ cần phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đủ giấc. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường.

- Nên ăn thêm quả chín để có đủ vitamin. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ hoặc vừng rang muối giã nhỏ ăn với xôi có tác dụng kích thích bài tiết sữa.

- Nên hạn chế các thức ăn gia vị như ớt, hành, tỏi vì nó qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.

- Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước nhất là cháo, nước hoa quả, sữa...(mỗi ngày khoảng 1,5-2,0 lít)

- Khi cho con bú, nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa. Việc dùng thuốc phải có sự tư vấn của thầy thuốc.

Hưởng ứng Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, các bậc cha mẹ hãy cho trẻ tiếp cận sớm với nguồn sữa mẹ quý giá, nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ. Bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Cho trẻ bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.

Nguyệt Minh