Được triển khai từ năm 2013, sau 5 năm thực hiện có thể thấy công tác phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tại tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều mặt. Các văn bản chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, kịp thời, sát với tình hình thực tế tại địa phương; sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền từ tuyến tỉnh đến huyện, xã; công tác truyền thông về PCTHTL được đẩy mạnh tới tận người dân với nhiều hình thức phong phú.
Hội thi Tuyên truyền viên giỏi phòng chống tác hại thuốc lá
Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/5/2013; để thực hiện có hiệu quả tỉnh ta đã thành lập Ban chỉ đạo Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá theo Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 04/6/2014 để triển khai các nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch hoạt động PCTHTL trên địa bàn toàn tỉnh và giao cho Sở Y tế làm đầu mối triển khai các hoạt động này. Trong những năm đầu thực hiện, công tác PCTHTL chủ yếu sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và của tỉnh để thực hiện lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của các đơn vị; do vậy đã gặp không ít những khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên công tác PCTHTL từ tuyến tỉnh xuống huyện, xã đã bắt đầu được quan tâm và duy trì có nề nếp.
Từ đó cho đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện cùng với sự hỗ trợ về kinh phí của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá thì công tác PCTHTL trên địa bàn toàn tỉnh đã có những bước chuyển biến đáng kể như: 100% cơ quan có biển cheo cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; 100% các công ty và hợp tác xã vận tải và kinh doanh xăng, dầu, ga tuân thủ các quy định cấm hút thuốc lá; 100% các trường thực hiện quy định địa điểm cấm hút thuốc lá tại cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em thuộc phạm vi quản lý; 100% các cơ sở kinh doanh thuốc lá đều tuân thủ các loại thuốc lá có mẫu cảnh báo sức khỏe đúng quy định… Đặc biệt đối với ngành Y tế, 100% cơ quan, đơn vị đều có biển cấm hút thuốc. Tỷ lệ cán bộ, y bác sỹ bỏ thuốc lá cao; tỷ lệ người bệnh, người nhà người bệnh không hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện cũng tăng rõ rệt…
Dược sỹ Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Xác định thực hiện môi trường Bệnh viện không thuốc lá là việc làm thường xuyên và cần thiết để tạo môi trường trong lành góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, hàng năm chúng tôi luôn thực hiện ký cam kết “Môi trường khoa, phòng không khói thuốc lá” giữa đại diện lãnh đạo, tổ công đoàn của các khoa phòng với Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn của Bệnh viện; treo tờ rơi, áp phích và biển cấm hút thuốc lá tại tất cả các khoa phòng và nơi chờ khám bệnh; phát thông điệp về tác hại của thuốc lá qua hệ thống phát thanh 1 lần/ngày; tư vấn trực tiếp cai nghiện thuốc lá cho người bệnh và người nhà người bệnh trong các buổi họp hội đồng người bệnh… Với các hình thức triển khai đồng bộ đó, đến nay tình trạng hút thuốc lá trong khuôn viên Bệnh viện hầu như không còn.
Có được sự chuyển biến tích cực đó là do sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ các cấp trong việc thực hiện công tác PCTHTL. Là cơ quan đầu mối triển khai các hoạt động này, Trung tâm Truyền thông GDSK trước đây và hiện nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai nhiều hoạt động bằng các hình thức phong phú, đa dạng hóa truyền thông, trong đó truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã xây dựng và duy trì tốt mô hình cơ quan, đơn vị không khói thuốc, trong đó tổ chức treo dán tranh ảnh, pano, khẩu hiệu tuyên truyền về PCTHTL; Đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế của cơ quan, đơn vị. Hệ thống truyền thanh qua loa xã, phường, thị trấn tập trung phổ biến những tác hại của thuốc lá đến sức khỏe được duy trì nề nếp. Công tác tập huấn, nói chuyện chuyên đề về tác hại của thuốc lá tại các Sở, ban ngành, cơ quan, trường học, khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh được phối hợp thực hiện hiệu quả. Cụ thể sau 5 năm triển khai đã tổ chức được 560 buổi truyền thông trực tiếp tại các cơ quan, ban ngành, trường học và cộng đồng về PCTHTL; Tổ chức 16 cuộc thi tìm hiểu về PCTHTL; Cấp phát được 89.500 tờ rơi, 3.000 áp phích, 247 pano, 12.000 biển báo cấm hút thuốc lá tới các cơ quan, đơn vị, trường học; Phát 26.280 lượt bài phổ biến kiến thức trên loa phát thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Song là một tỉnh nghèo với nhiều dân tộc anh em sinh sống và còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu, văn hóa vùng miền; nhận thức của một số bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; sự tham gia, vào cuộc của một số đơn vị còn chậm, do vậy cũng gặp phải không ít những khó khăn như: Công tác PCTHTL mới chỉ tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở thành phố, thị trấn, cơ quan ban ngành và trung tâm xã, các thôn bản ở các xã hầu như chưa được tiếp cận mà trong thực tế người dân ở những nơi vùng sâu vùng xa có tỷ lệ hút thuốc lá, thuốc lào cao; một số cơ quan đơn vị chưa thực sự sâu sát, nghiêm túc chấp hành Luật PCTHTL; các hình thức xử phạt hút thuốc lá tại cơ quan đơn vị và nơi công cộng chưa thực hiện được; việc phối hợp liên ngành chưa đồng bộ, chưa phát huy được tối đa các nguồn lực của địa phương tham gia PCTHTL…
Để công tác PCTHTL ngày một hiệu quả hơn, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, văn hóa xã hội. Cần hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm Luật PCTHTL; tăng cường việc giám sát, đánh giá hoạt động xây dựng nơi làm việc không thuốc lá; duy trì xây dựng mô hình “Không khói thuốc lá” tại các cơ quan hành chính, các đơn vị trường học, các cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn,... để từ đó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ người hút thuốc lá, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Thùy Dung