NHỮNG HIỂM HỌA CỦA VIỆC HÚT THUỐC LÁ THỤ ĐỘNG ĐỐI VỚI SỨC KHỎE TRẺ EM



Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà khói thuốc còn làm ảnh hưởng đến môi trường, khiến người xung quanh tuy không hút thuốc nhưng cũng hít phải khói thuốc lá. Người thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng sẽ mắc bệnh như người hút thuốc lá. Đặc biệt với trẻ em, khi phổi chưa phát triển toàn diện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe

Hút thuốc lá thụ động là tình trạng người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc lá của người khác. Người hút thuốc lá chỉ hút một phần và phần lớn khói quay trở lại môi trường, lượng khói thuốc người hút thuốc lá thải ra gấp năm lần lượng hút vào. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và một số chất độc hại như asen, benzen (chất gây ung thư mạnh, có trong khói dầu khí, thuốc trừ sâu), ammonia (có trong thuốc kích thích tăng trưởng, sản phẩm tẩy rửa), nicotine (chất độc và chất gây nghiện), dioxine (sinh ung thư), formaldehyde (dùng trong ướp xác, gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc)… Khi trẻ em hít phải khói thuốc lá sẽ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất có trong khói thuốc lá và đây là tác nhân gây nên một số bệnh nguy hiểm ở trẻ như:

          Sự phát triển chức năng phổi: Mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ trong suốt thời kỳ trẻ em. Các nghiên cứu cũng chứng minh hút thuốc thụ động sau khi sinh cũng làm giảm chức năng phổi của trẻ khiến tỷ suất thở ra giữa thai kỳ bị giảm 4,8% và 4,3% tỷ suất thở ra cuối thai kỳ.

          Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh: Hội chứng trẻ chết đột tử cũng được biết như cái chết khi đang ngủ, được định nghĩa như cái chết bất ngờ của trẻ nhỏ mà không có bằng chứng về bất cứ sự ốm yếu của bào thai khi khám nghiệm tử thi. Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với thuốc lá trong quá trình bào thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4 cho đến 8,5 lần. 

          Cân nặng khi sinh thấp: Trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có cân nặng trung bình thấp hơn những trẻ khác khoảng 200 gam.

          Viêm đường hô hấp cấp tính: Viêm đường hô hấp cấp tính là bệnh cấp tính phổ biến nhất trong thời kỳ thơ ấu. Các bệnh hô hấp cấp tính có thể phân ra thành các bệnh liên quan tới đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi). Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh này nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm của phổi. Nhìn chung các nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ có bố, mẹ hoặc cả hai hút thuốc hoặc có một người trong gia đình hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với sự tiếp xúc với khói thuốc thụ động. 

          Các triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính: Những triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính ở trẻ nhỏ là ho nhiều, nhiều nước dãi hoặc đờm và thở khò khè. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh sự tiếp xúc khói thuốc thụ động với tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trên. Nguy cơ mắc các triệu chứng hô hấp mãn tính ở trẻ sơ sinh có bố, mẹ hoặc chỉ mẹ hút thuốc cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với trẻ khác.

          Bệnh tai giữa: Tỷ lệ mắc viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính ở trẻ có tiếp xúc thường xuyên với hút thuốc lá thụ động cao hơn so với trẻ không phơi nhiễm với khói thuốc lá là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần (đối với chảy mủ tai mãn tính). Bệnh viêm tai giữa thường xảy ra ở trẻ em, có thể dẫn tới mất khả năng nghe.  

          Bệnh Hen: Hen là một dạng mắc hô hấp mãn tính được mô tả là sưng đường dẫn khí, làm cản trở từng phần đường dẫn khí, gây thường xuyên thở khò khè và khó thở đặc biệt ở không khí chật hẹp. Hen là do cản trở một phần ở phế quản và nhánh cuống phổi nhỏ. Bệnh hen không thể chữa được nhưng mỗi lần phát bệnh có thể giảm nhẹ bằng điều trị. Nguy cơ làm bệnh hen nặng hơn có quan hệ với số bố mẹ hút thuốc. Nếu trẻ đã bị bệnh hen, thì khói thuốc thụ động sẽ làm người bệnh phát bệnh trầm trọng hơn và hay bị tái phát bệnh thường xuyên hơn.

          Hút thuốc lá thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ và làm tăng tỷ lệ mắc các triệu chứng như ho, khò khè, có đờm, thở nông ở trẻ độ tuổi đến trường lên khoảng 30%. 

          Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ thì người lớn tuyệt đối không nên hút thuốc trong nhà, trường học hay những nơi đông người như nhà ga, bến xe, nhà chờ xe buýt, nhà hàng… gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người không hút thuốc.

Hồng Mai - Trung tâm TT/GDSK