NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ UNG THƯ CỔ TỬ CUNG



Cổ tử cung đóng vai trò rất lớn trong quá trình sinh sản và sinh lý bình thường của phụ nữ. Tuy nhiên, đây cũng là nơi gây nên nhiều loại bệnh, mà nguy hiểm nhất là ung thư cổ tử cung. Hiện nay ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa phổ biến và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội phòng chống ung thư thế giới thì ung thư cổ tử cung chiếm 12% các ung thư đường sinh dục nữ

Tại Hà Giang, theo bác sỹ Mã Hồng Cầu, trưởng Khoa ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: ung thư cổ tử cung đứng thứ 5 về tỷ lệ mắc sau ung thư gan, ung thư phổi… Do thiếu kiến thức cũng như còn chủ quan về bệnh nên tỷ lệ người bệnh được phát hiện và điều trị thường ở giai đoạn muộn.

Vậy, làm thế nào để phòng bệnh được hiệu quả, dưới đây là một số điều chị em phụ nữ cần nắm được để nhận biết sớm ung thư cổ tử cung.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây

- Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung là do nhiễm Human Papilloma virus (HPV), Herpes virus.

- Ung thư cổ tử cung cao hơn ở những phụ nữ mang thai nhiều lần hoặc ở những phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư.

- Độ tuổi phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung là từ 35 - 55 tuổi.

- Những người suy giảm hệ thống miễn dịch như nhiễm HIV/AIDS, dùng corticoid kéo dài, đang điều trị hóa trị liệu…

Bên cạnh đó, tăng nguy cơ mắc ở các phụ nữ hút thuốc lá, quan hệ tình dục sớm, sử dụng thuốc tránh thai, vệ sinh cá nhân kém hoặc có tiền sử viêm nhiễm đường sinh dục nhiều lần.

Biểu hiện

Cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám khi có các dấu hiệu như ra máu âm đạo bất thường giữa kỳ kinh, ra máu sau khi giao hợp, khí hư hôi, dịch tiết âm đạo bất thường hoặc lẫn máu, đau nhiều vùng bụng dưới, đau tăng trong chu kỳ kinh, giảm cân bất thường.

Phòng bệnh

Ung thư cổ tử có thể gây tử vong cao vào giai đoạn xâm lấn, song tiến triển chậm, bệnh nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi. Do vậy, để dự phòng ung thư cổ tử cung, bác sỹ khuyên chị em phụ nữ cần:

Tiêm phòng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Không nên quan hệ tình dục quá sớm và tránh có nhiều bạn tình.

Sinh ít và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.

Khám phụ khoa định kỳ ít nhất 1 năm/lần để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc hoặc đi khám tại các cơ sở chuyên khoa  khi có các dấu hiệu bất thường, qua đó điều trị sớm và triệt để các tổn thương lành tính ở cổ tử cung.

Ngoài ra, cần có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý. Tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin A,C,E, nhiều trái cây và rau quả

Thùy Dung - Trung tâm TT/GDSK