NHỮNG DẤU HIỆU CẦN BIẾT VỀ BỆNH SỞI



Hiện nay, bệnh sởi đang bùng phát ở nhiều nơi trên toàn quốc cũng như tại Hà Giang. Sau đây là những dấu hiệu cần biết về bệnh sởi.

Phát ban khi mắc bệnh sởi

Phát ban khi mắc bệnh sởi

Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến giữa tháng 6/2019 tại 28/28 tỉnh thành phố thuộc khu vực miền Bắc ghi nhận trên 8.000 trường hợp nghi mắc sởi/rubella, trong đó có 3.337 ca dương tính với vi rút sởi.

Tại Hà Giang từ đầu năm đến nay đã có gần 700 trường hợp nghi mắc sởi tại 62 xã, phường, thị trấn thuộc 09 huyện/11 huyện thành phố của tỉnh, trong đó 126/279 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút sởi. Độ tuổi mắc sởi tập trung chủ yếu ở trẻ từ 1 – 4 tuổi và hầu hết chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin sởi hoặc vắc xin sởi – rubella. Vì vậy, phòng ngừa và phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh sởi sẽ giúp hạn chế dịch lây lan và nguy cơ tử vong. Sau đây là một số dấu hiệu về bệnh sởi:

Đường lây truyền:

 Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh.

Triệu chứng điển hình khi mắc bệnh sởi:

- Sốt rất cao 39 đến 40 độ C trong 2 ngày đầu.

- Ngày thứ 3 - 4 xuất hiện các ban trên da, trình tự mọc của các nốt ban từ sau tai lan ra mặt và lưng, sau 2-3 ngày sẽ lan ra toàn thân. Bệnh nhân sẽ có thêm triệu chứng viêm kết mạc, viêm đỏ, có rỉ mắt, viêm đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, sổ mũi...).

- Ngày thứ 5 ban bọc khắp toàn thân (từ đầu xuống chân), trẻ đỡ sốt, giảm viêm đường hô hấp.

- Bệnh sởi còn có những biến chứng nguy hiểm như gây ra các bệnh như: Viêm thanh quản, phế quản, phế quản phổi, viêm não, màng não, viêm giác mạc, tiêu chảy, tai mũi họng…

Phòng bệnh:

- Tiêm vắc xin sởi là một biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Vậy cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng, chăm sóc cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch: Tiêm vắc xin sởi (mũi 1) khi trẻ  từ 9 – 11 tháng tuổi và tiêm vắc xin Sởi – Rubella (mũi sởi 2) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Ngoài ra cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng Sởi – Rubella trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho trẻ 1 – 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao.

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời; hạn chế di chuyển hoặc chuyển tuyến (trừ trường hợp có biến chứng) để tránh lây lan ra cộng đồng.

Hoàng Cẩm