Nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh tim mạch



Khám phát hiện bệnh tim mạch tại cơ sở y tế

Khám phát hiện bệnh tim mạch tại cơ sở y tế

       Bệnh tim mạch là một trong những nhóm bệnh lý nguy hiểm, được ví như  “Sát thủ thầm lặng”. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của tim và các mạch máu, là thủ phạm gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Trước đây, bệnh tim mạch thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa với tỷ lệ thanh niên mắc chứng nhồi máu cơ tim hay đột tử ngày càng tăng cao.

       Nguyên nhân dẫn đến vấn đề tim mạch, có thể do những thói quen trong sinh hoạt, sở thích mà chúng ta không nhận ra điều đó, như: Lười vận động, stress tâm lý, người bệnh có thói quen hút thuốc lá hay thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch.

       Bệnh tim mạch thường bắt đầu với những tổn thương niêm mạc và lớp bên trong của động mạnh vành. Các mảng bám có thể bắt đầu tích tụ lại trên các động mạch bị hư hỏng. Sự tích tụ các mảng bám trong động mạch vành có thể bắt đầu ngay từ khi còn bé. Qua thời gian, mảng bám có thể đông cứng hoặc vỡ ra. Mảng bám cứng làm hẹp động mạch vành và làm giảm sự lưu thông máu giàu oxy đến tim. Điều này có thể gây ra đau ngực hoặc khó chịu gọi là đau thắt ngực. Nếu mảng bám bị vỡ ra, các mảnh vỡ tế bào máu (được gọi là tiểu cầu) dính vào nhau và hình thành cục máu đông. Cục máu đông có thể thu hẹp các động mạch vành và gây đau thắt ngực. Nếu một cục máu đông trở nên đủ lớn, nó có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn một động mạch vành và gây ra một cơn đau tim.

      Theo các nghiên cứu, nếu năm 1980 có khoảng 10% bệnh nhân mắc tăng huyết áp thì đến năm 2009 tăng lên 27% ở người lớn. Con số này cho thấy tốc độ người mắc các bệnh về tim mạch ngày càng tăng nhanh. Bên cạnh đó, bệnh tim mạch cũng chiếm con số tử vong không nhỏ trong các bệnh lý không lây nhiễm ở nước ta, khoảng 33% với gần 200 nghìn người tử vong mỗi năm.

       Mặc dù là bệnh lý nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao nhưng đều có thể sàng lọc và tẩm soát được, vì vậy mỗi người cần khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc các yếu tố nguy cơ và bệnh tim mạch, nhất là những người lớn tuổi do các bệnh lý tim mạch đa số không có biểu hiện và thường diễn biến âm thầm. Đặc biệt, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường như: Khó thở, đau ngực, hồi hộp, choáng và ngất, phù, thay đổi huyết áp, đánh trống ngực... thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng để bệnh trở nặng gây khó khăn trong điều trị hay đến viện muộn gây những hậu quả đáng tiếc.

Để phòng tránh các bệnh lý về tim mạch thì các nhà khoa học đã chứng minh chế độ ăn hợp lý như: Giảm muối, giảm chất béo, ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, các thức ăn giàu kali bao gồm chuối, cam, lê, mận chín...; không sử dụng thuốc lá, rượu, bia, kiểm soát huyết áp, tăng cường tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và người có chế độ ăn uống hợp lý sẽ đạt được hiệu quả tốt trong việc điều trị bệnh tim mạch.

Hồng Mai (Tổng hợp)