Viêm loét dạ dày – tá tràng là tình trạng bị tổn thương do viêm, trợt, loét hoặc phối hợp các loại tổn thương trên ở dạ dày – tá tràng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, nếu như trước đây bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên thì hiện nay bệnh xuất hiện ở cả trẻ em
Chẩn đoán nhiễm HP cho người bệnh
Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, tỷ lệ người bệnh đến khám và điều trị bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng chiếm gần 10% các bệnh lý về dạ dày. Vậy nguyên nhân của bệnh là do đâu và để nhận biết, phòng chống căn bệnh này như thế nào, dưới đây là một số thông tin về bệnh.
Nguyên nhân
Do nhiễm vi khuẩn H.Pylori, loại vi khuẩn này liên quan mật thiết đến các bệnh lý dạ dày như: viêm loét dạ dày – tá tráng, trào ngược dạ dày – thực quản, ung thư dạ dày...
- Do người bệnh dung thuốc, hóa chất: các thuốc giảm đau chống viêm No-teroid, corticoid
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý: uống rượu, bia, ăn đồ chua, cay quá nhiều, ăn quá no, ăn không đúng bữa.
- Do yếu tố thần kinh căng thẳng quá mức: stress, thức khuya… hoặc do các yếu tố nội tiết.
Biểu hiện của bệnh
Mỗi dạng tổn thương viêm, loét hoặc phối hợp 2 loại tổn thương trên sẽ có triệu chứng đặc trưng riêng. Nhưng chung quy lại, người bệnh có thể gặp một hoặc các triệu chứng sau:
- Đau ở vùng thượng vị, tùy theo mức độ của bệnh mà có các biểu hiện đau âm ỉ hoặc dữ dội, đau khi đói hoặc sau khi ăn
- Ợ hơi, ợ chua, nôn hoặc buồn nôn. Bệnh nhân bị viêm dạ dày cấp có thể nôn ra máu. Ngoài ra, có thể gặp các biểu hiện khác như người xanh xao, hoa mắt chóng mặt, gầy sút cân…
Phòng bệnh
Bệnh viêm loét dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến ăn uống, lao động, sinh hoạt của người bệnh, nặng hơn nữa là ung thư dạ dày. Để phòng bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:
- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu; hạn chế sử dụng các chất kích thích, thức ăn chiên xào, đồ mặn; không sử dụng gia vị cay quá mức, ăn thức ăn quá nóng, quá lạnh hoặc quá chua.
- Bổ sung vào bữa ăn hàng ngày các loại rau xanh có màu đậm để cung cấp nguồn vitamin A,C,K, sắt… như bắp cải, cải xanh, măng tây…
- Sử dụng các thuốc có nguy cơ gây viêm dạ dày đúng theo chỉ định của bác sỹ, đúng liều lượng, đúng thời điểm.
- Khi có các biểu hiện đau tức thượng vị, ợ hơi, ợ chua…nên đi khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị đúng cách, không nên tự ý dùng thuốc để tránh các biến chứng của bệnh.
Thùy Dung Trung tâm TT/GDSK