NGỘ ĐỘC BỘT NGÔ MỐC VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH



Bánh trôi ngô là món ăn truyền thống của đồng bào Mông vùng cao. Bánh được làm từ nguyên liệu chính là bột ngô. Tuy nhiên, trong những năm từ 2006 - 2014 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn bánh trôi ngô. Vậy nguyên nhân do đâu và các biện pháp phòng tránh như thế nào?

Sử dụng bột ngô mốc làm bánh sẽ gây ngộ độc

Sử dụng bột ngô mốc làm bánh sẽ gây ngộ độc

Ngô là nguồn lương thực chính và là món ăn truyền thống của người dân vùng cao. Người dân thường ăn ngô tẻ dưới dạng chế biến thành mèn mén như xay thành bột thô, trộn nước, đồ 2 lần cho chín kỹ rồi ăn. Đặc biệt trong những ngày lễ và Tết Nguyên đán, người dân thường chế biến bánh ngô từ hạt ngô nếp để ăn. Ngô thuộc nhóm ngũ cốc rất giàu dinh dưỡng, tuy nhiên do quá trình bảo quản, chế biết không đúng cách hoặc để quá lâu ở môi trường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên sinh ra nấm mốc khi ăn vào sẽ gây hại tới sức khỏe con người.

Quy trình chế biến bánh ngô ở các gia đình như sau: Hạt ngô nếp sau khi xay vỡ được ngâm nước trong thời gian khoảng 15 ngày, sau đó mang đi xay bột nước. Tiếp theo, bột nước được cho vào túi vải hoặc bao tải và treo lên cho ráo hết nước, sau đó bột ướt được làm bánh dưới dạng bánh trôi (nặn bột thành viên to bằng ngón tay cái, cho vào nồi nấu với đường), làm bánh rán, bánh nướng... những ngày đầu ăn bánh ngô từ bột mới làm không thấy bị ngộ độc. Tuy nhiên, do khâu bảo quản không được tốt, nhiều trường hợp bột ngô để lâu ngày đã lên mốc xanh, mốc vàng nhưng người dân vẫn làm bánh ăn nên bị ngộ độc và gây tử vong.

Theo thống kê của ngành Y tế, từ năm 2006 đến 2014 tại tỉnh ta có 5 huyện xảy ra các vụ ngộ độc ăn bánh ngô bị mốc gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ và Bắc Mê với tổng số 23 vụ, làm 127 người mắc, 51 người tử vong (chiếm 40,1%); trong đó huyện Mèo Vạc có số vụ, số người mắc và tử vong cao nhất. Cũng theo thống kê, ngộ độc bột ngô mốc chiếm tỷ lệ người bị ngộ độc và chết là cao nhất trong các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm tại tỉnh ta.

Để giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn bột ngô mốc, trong thời gian qua Sở Y tế Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền; tổ chức thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc do ăn nấm lạ, rau rừng, quả rừng và bột ngô mốc. Một số địa phương đã kiên quyết thực hiện kiểm tra và tiêu hủy bột ngô, bánh ngô không bảo đảm an toàn,... Do đó từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc do ăn phải bột ngô mốc.

Biểu hiện khi ăn phải bột ngô mốc, đó là:

- Đau bụng.

- Hoa mắt, chóng mặt.

- Đau đầu: Lúc đầu đau ít, sau đau tăng dần, đau nhiều, liên tục.

- Buồn nôn, nôn ra thức ăn.

- Co giật và có thể dẫn đến chết người nếu không được cứu chữa kịp thời.

 Sơ cứu người bệnh tại chỗ bằng cách sau:

- Nhanh chóng gây nôn bằng cách lấy ngón tay sạch hoặc lông gà rửa sạch để ngoáy họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi.

- Thông báo với cán bộ y tế và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Để không còn những vụ ngộ độc bột ngô mốc cần:

- Ngô sau khi thu hái cần được phơi khô, để nơi khô ráo, sạch sẽ, tránh mối mọt.

- Không ăn những hạt ngô bị mốc, bị mối mọt.

- Trong thời gian ngâm ngô làm bánh cần được thay nước sạch hằng ngày. Thường xuyên kiểm tra màu sắc, mùi của ngô trong suốt quá trình ngâm. Nếu ngô lên men, có mùi lạ hoặc ngô ngả màu (màu xanh, vàng, rêu..) thì tuyệt đối không được ăn.

- Ngô sau khi xay thành bột cần để ở nơi khô ráo, sạch sẽ. Cần nấu ăn ngay, tốt nhất là trong khoảng thời gian 2 đến 3 ngày. Trước khi nấu cần kiểm tra kỹ bột ngô, nếu phát hiện trên bột ngô có xuất hiện các chấm xanh, vàng, đỏ, nâu... thì tyệt đối không được nấu ăn.

- Không sử dụng đường hoá học khi nấu và ăn bánh trôi ngô.

Thu Ngân (Soạn)