NGHỀ Y – NGHỀ CỦA NIỀM VINH DỰ VÀ TRÁCH NHIỆM



Mỗi người khi trưởng thành thường ấp ủ những hoài bão và lựa chọn cho mình ngành nghề yêu thích và đam mê. Mỗi ngành, mỗi nghề đều có những đặc thù riêng, nhưng đối với những người được công tác trong ngành y đều xác định đây là vinh dự lớn lao nhưng cũng là trọng trách không nhỏ bởi chính họ sẽ là người trực tiếp tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mọi người, mọi nhà.

Người bệnh luôn được các cán bộ y tế chăm sóc tận tụy

Người bệnh luôn được các cán bộ y tế chăm sóc tận tụy

Cùng với dòng chảy thời gian, đã 63 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế ngày 27/2/1955 và căn dặn:  "...cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y  như từ mẫu".

Người dân được khám bệnh và phát thuốc tại Phường Minh Khai, TP Hà Giang

Thực hiện lời dạy của Người, trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh nhà đã kế thừa và phát huy những thành tựu của thế hệ đi trước, khắc phục mọi khó khăn thách thức, lớp lớp thế hệ cán bộ y tế không ngừng học tập và tu dưỡng, tận tụy, nỗ lực phấn đấu với mong muốn được hiến dâng công sức và trí tuệ của mình để đóng góp cho sự nghiệp y tế ngày càng phát triển. Đến nay, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, cũng như thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ tại các đơn vị; kiện toàn, ổn định hệ thống y tế tổ chức từ tỉnh đến xã, định hướng phát triển các bệnh viện, trung tâm chuyên sâu theo quy hoạch phát triển của ngành và phù hợp với địa phương; chú trọng tới công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ cho cán bộ y tế các tuyến; ngành cũng quan tâm đào tạo công tác quản lý, chính trị gắn với quy hoạch đội ngũ công chức lãnh đạo, viên chức quản lý; triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu y tế quốc gia; thực hiện có chất lượng Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng. Các bệnh viện đã tiến hành cải tiến chất lượng bệnh viện, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới hiện đại trong khám, chữa bệnh, phối hợp với các bệnh viện trung ương thực hiện có hiệu quả Đề án Bệnh viện vệ tinh; thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; đảm bảo cung ứng đủ thuốc phòng dịch và thuốc chữa bệnh; triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư cho ngành Y tế, nhiều công trình y tế đã hoàn thành, nhiều trang thiết bị đã được đưa vào sử dụng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, quản lý chuyên môn...

Xã hội ngày càng phát triển, do vậy mà trình độ cũng như nhận thức của người dân được nâng lên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng từ đó đòi hỏi cao hơn. Người bệnh mong muốn được điều trị bằng các kỹ thuật tiên tiến, với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và nhất là đội ngũ cán bộ y tế từ những nữ hộ sinh, cán bộ điều dưỡng đến y, bác sĩ điều trị luôn ân cần, tận tâm, trách nhiệm, giỏi về chuyên môn. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi đời sống được nâng lên khi đó người bệnh không chỉ dừng lại ở nhu cầu được khám và điều trị mà họ còn muốn được chăm sóc tốt hơn bằng những trang thiết bị hiện đại tiên tiến nhất, những cán bộ y tế giỏi nhất. Đây cũng là mục tiêu, là mong muốn mà lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ ngành Y tế luôn nỗ lực phấn đấu và quyết tâm để hướng tới đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Nghề y là một nghề đặc biệt vì vậy mỗi người khi chọn lựa đều xác định phải biết chấp nhận vất vả, căng thẳng, áp lực nhưng trách nhiệm thì lại vô cùng nặng nề. Áp lực bởi sự quá tải bệnh viện, từ những yêu cầu những đề nghị của người bệnh và người nhà người bệnh. Đôi khi người bệnh hoặc người nhà người bệnh tự cho họ có quyền được đòi hỏi, được đáp ứng và phản ánh. Trong chuyên môn, các cán bộ y tế phải làm theo đúng qui trình cấp cứu hay điều trị theo phác đồ, mà không thể đáp ứng theo ý của người bệnh. Tuy nhiên nhiều khi người thầy thuốc không thể tiên lượng, đánh giá được hết mọi vấn đề mặc dù họ đã cố gắng hết khả năng có thể. Vì thế do không hiểu về chuyên môn nên người bệnh cũng dễ hiểu nhầm, thậm chí vì quá bức xúc họ đã coi thầy thuốc là cội nguồn của mọi nguyên nhân nên rất dễ xảy ra những đánh giá, phản ứng quá mức đối với thầy thuốc và đã có không ít những trường hợp đau lòng đáng tiếc xảy ra. Hậu quả để lại phần lớn là cán bộ y tế bị thương, hay trong tình trạng nguy kịch thậm chí tử vong...

Một cái áo không lành có thể bỏ, đi sai đường chúng ta có thể đi lại, nhưng với sức khỏe và tính mạng của con người thì không. Nhận thức được điều đó nên cũng dễ hiểu tại sao những cán bộ y tế thường giữ im lặng hoặc ít biện hộ cho những hành động và việc làm của mình khi người bệnh hoặc người nhà phản ánh. Bởi với họ không gì quan trọng hơn là sức khỏe người bệnh. Họ cần mẫn, lặng lẽ làm việc bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và trái tim của người thầy thuốc. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, tuy không nhiều nhưng vẫn còn những cán bộ chưa thực sự niềm nở, nhẹ nhàng, giải thích và tư vấn rõ ràng, cụ thể cho người bệnh, người nhà người bệnh khiến gây nên những hiểu lầm và tạo không khí căng thẳng, bức xúc từ phía người bệnh. Cần nghiêm khắc và lên án đối với những thầy thuốc có việc làm trái với đạo đức nghề nghiệp. Với người bệnh khi đó họ đang là những người bị tổn thương và cần được chăm sóc và điều trị. Vì thế họ mong muốn được quan tâm và tư vấn một cách tỷ mỷ, giải thích một cách rõ ràng và muốn được chăm sóc, điều trị một cách tốt nhất có thể. Khi ấy, cán bộ y tế cũng cần phải đặt mình vào vị trí của người bệnh hay người nhà người bệnh để thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia.

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu mà ngành Y tế luôn xác định là vấn đề ưu tiên, vô cùng quan trọng và được thực hiện bằng nhiều cách thức nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Thiết nghĩ, mỗi cán bộ y tế khi đã lựa chọn và quyết tâm gắn bó với nghề cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ chấp nhận những gian khổ, hiểm nguy, thậm chí cả những tai nạn nghề nghiệp, những rủi ro có thể xảy ra. Nhưng một khi đã đam mê, được cống hiến với sự nghiệp đã lựa chọn và theo đuổi, những chiến sĩ áo trắng sẽ làm việc bằng tất cả công sức và trí tuệ để thực hiện tốt trọng trách lớn lao nhưng cũng đầy vinh dự này bởi với họ - hạnh phúc chỉ đơn giản là làm cho người bệnh hài lòng.

 

Ngọc Ánh - Trung tâm Truyền thông GDSK