NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRONG TÌNH HÌNH MỚI



Mặc dù dịch Covid-19 cơ bản đã ổn định, số ca mắc mới giảm so với năm 2021, trong 10 tháng đầu năm các bệnh truyền nhiễm gây dịch thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, bại liệt, uốn ván sơ sinh; thương hàn, viêm màng não do não mô cầu, sốt xuất huyết Dengue, cúm A/H5N1, Sốt rét có ký sinh trùng,.. không ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, một số dịch bệnh như: Cúm A, Cúm B, Sốt rét, Sởi Rubella, phong, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết…vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát nếu không được phát hiệ

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Trước thực trạng đó, nhằm hạn chế các dịch bệnh bùng phát trên địa bàn toàn tỉnh ngay từ đầu năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Y tế ban hành kế hoạch phòng chống dịch; cùng với đó, đơn vị đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyến cơ sở điều tra, giám sát phát hiện các ca bệnh mới cũng như triển khai công tác phòng chống các dịch bệnh: Phong, sốt rét, tiêm chủng mở rộng, đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết…. Đồng thời, phối hợp với bệnh viện Đa khoa tỉnh mở 01 lớp tập huấn trực tuyến về bệnh đậu mùa khỉ và cúm A cho cán bộ Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế xã, cán bộ Bệnh viện tuyến huyện, phòng khám khu vực…; Công tác tiêm chủng phòng chống dịch được triển khai có hiệu quả. Cụ thể, 10 tháng đầu năm trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai tiêm 2 đợt viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi đạt trên 95%; Triển khai đưa vắc xin IPV (bại liệt) mũi 2 vào trong chương trình tiêm chủng thường xuyên tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi; triển khai tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi (tuy nhiên vẫn còn 2 huyện: Yên Minh, Mèo Vạc và 8 xã của huyện Đồng Văn chưa tiêm xong do thiếu đang chờ vắc xin). Mặc dù việc triển khai tiêm chủng thường xuyên được triển khai một cách đồng bộ song tỉ lệ tiêm chủng vẫn thấp so với kế hoạch năm 2022, nguyên nhân do thiếu vắc xin. Hiện tại vẫn thiếu một số vắc xin như: vắc xin tiêm phòng Sởi, DPT4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván), vắc xin DPT4 (giải độc tố bạch hầu tinh chế, giải độc tố uốn ván tinh chế và huyền dịch vi khuẩn ho gà chống lại 3 bệnh truyền nhiễm gồm: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván) dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng không đạt. Do đó, nguy cơ bệnh Sởi, ho gà, bạch hầu có thể xảy ra. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh không phát hiện ca cúm H5N1, sốt xuất huyết. Tuy nhiên tại huyện Bắc Mê, Đồng Văn phát hiện 7 ca nghi mắc bệnh sởi và đã được lấy mẫu xét nghiệm trong đó 3 ca dương tính với Sởi Rubella; Tiến hành khám điều tra bệnh phong - da liễu đã phát hiện 4 ca phong mới tại các huyện: Vị Xuyên, Xín Mần và Bắc Quang; Bệnh Viêm não tổng số 23 ca lấy mẫu bệnh phẩm 23 ca trong đó có 02 Viêm não Nhật Bản tại huyện Quản Bạ và huyện Quang Bình; Bệnh dại trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng số người đến tiêm phòng là 595 trường hợp, trong đó 02 trường hợp tử vong do bệnh nhân bị chó cắn không đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh phòng và vắc xin phòng bệnh dại; Phát hiện điều tra 01 ca liên cầu lợn kết quả xét nghiệm dương tính tại huyện Vị Xuyên. Để hạn chế các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, các đơn vị trong toàn ngành y tế tăng cường hoạt động giám sát, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế dịch bệnh lây lan trên cộng đồng, chủ động với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn và kiểm soát các vùng dịch bệnh lưu hành có nguy cơ bùng phát tại địa phương.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Hiện nay, một số người dân còn chủ quan, không đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 vì cho rằng người đã mắc COVID-19 rồi sẽ không mắc lại nữa nên họ không đi tiêm vắc xin phòng Covid-19, dẫn đến tỉ lệ tiêm vắc xin mũi nhắc lại lần 1 (Mũi 3): đạt 78,5%; tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt: 66,4%; tiêm cho trẻ  từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 2 đạt: đạt 70,2%... Do vậy, 2 tháng cuối năm 2022 đơn vị tiếp tục tăng cường công tác giám sát, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch, bệnh COVID-19, Cúm A H5N1, Cúm mùa, Bệnh Sốt xuất huyết, Viêm não mô cầu để kịp thời có các biện pháp khoanh vùng, dập dịch không để dịch lây lan ra diện rộng; Phối hợp với các ban ngành tăng cường công tác truyền thông về công tác phòng chống dịch bệnh như Cúm A, cúm AH5N1, Sốt xuất huyết, Viêm não mô cầu, công tác tiêm chủng thường xuyên, tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19; Thành lập các đoàn tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh ở người, tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng COVID-19 tại tuyến huyện, xã. Lập kế hoạch phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ thực hiện các chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh phong, da liễu; Rà soát lại số trẻ tiêm chưa đầy đủ theo lịch tiêm chủng lập danh sách và xây dựng kế hoạch để tiêm bù, tiêm vét cho các cháu; Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi, trẻ 18 tháng tuổi và phụ nữ có thai; Tổ chức tiêm bù vắc xin DPT cho trẻ dưới 18 tháng tuổi khi có vắc xin bổ sung; Phối hợp với các huyện thành phố trong công tác rà soát lập danh sách và đối chiếu với từng mũi tiêm vắc xin phòng COVID- 19 để khi có vắc xin trung ương cấp sẽ triển khai tiêm ngay.

Bên cạnh các hoạt động đó thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức tuân thủ và thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế trong tình hình mới. Hiện nay, thời điểm giao mùa là thời điểm dễ phát sinh các dịch bệnh vì vậy, các gia đình có con nhỏ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đúng thời gian theo quy định để đạt miễn dịch cao nhất trong phòng chống các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng; mọi người dân cần được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch theo quy định của Bộ Y tế để tăng miễn dịch phòng chống bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.

Thu Hòa